Đường dẫn truy cập

Văn hóa giao thông ở Việt Nam


Văn hóa giao thông ở Việt Nam
Văn hóa giao thông ở Việt Nam

<!-- IMAGE -->

Trước đây, mỗi lần về Việt Nam, một trong những điều tôi sợ nhất là giao thông. Ở xa, đọc báo, biết ở Việt Nam mỗi năm trung bình có trên mười ngàn người chết và vô số người bị thương tật vì tai nạn giao thông đã sợ. Về đến nơi, nhìn cảnh xe cộ chen chúc một cách vô cùng mất trật tự lại càng sợ hơn nữa. Lần nào cũng thế, ra đường là thấy căng thẳng. Có lúc tôi chỉ đi toàn tắc xi. Nhưng đi tắc xi lại phải chịu cảnh kẹt xe. Đành đi xe ôm hay nhờ bạn bè chở trên xe gắn máy.

Nhưng ngồi trên xe gắn máy, lúc nào cũng có cảm tưởng như lao vào trận địa. Xe cứ lạng bên này, lách bên kia. Nhiều khi sợ quá, ngồi sau, nhưng tôi cứ oằn người để… né. Bạn tôi phải nhắc: “Anh đừng lắc!” Okay. Thì ngồi yên. Nhưng khi xe quẹo, tôi sợ xe sau đụng nên đưa tay ra hiệu. Bạn tôi ngồi trước, lại nhắc: “Anh rút tay lại. Coi chừng bọn chúng giật đồng hồ!” Sau này, một người bạn khác giải thích: “Ở đây, chẳng ai đưa tay hay bật đèn signal cả.” Tôi hỏi làm sao để biết người ta sắp quẹo; bạn tôi đáp: “Lái xe lúc nào cũng phải quan sát cái đầu của người lái xe phía trước. Nếu nó nghiêng sang một bên thì phải chuẩn bị đạp thắng. Vì chỉ có hai khả năng: hoặc là nó sắp quẹo hoặc là nó sắp phun nước miếng!”

Khiếp!

Đi xe đã khiếp, băng qua đường lại càng khiếp hơn nữa. Ở Việt Nam, ngay ở những thành phố lớn, rất hiếm có chỗ giành cho người đi bộ. Ở các ngã tư, ngay cả khi có đèn đỏ, xe vẫn được phép quẹo, do đó, lúc nào người đi bộ cũng phải né xe. Băng qua giữa đường thì lại càng ghê. Xe lúc nào cũng nườm nượp, cũng chen chúc nhau phóng tới như tên bắn.

Hầu hết các sách du lịch viết về Việt Nam đều nhắc đến cảnh băng qua những con đường trùng trùng xe cộ như vậy. Hầu như tất cả đều chỉ dẫn một cái mẹo băng qua đường giống nhau: Là, cứ đi thẳng. Đừng nhìn ngang ngó dọc gì cả. Cứ nhìn phía trước mà đi. Bước đều. Không nhanh, không chậm và cũng không thậm thụt. Xe cộ sẽ tránh mình.

Lời khuyên trên được rất nhiều người áp dụng. Ai cũng nói là có hiệu quả (dĩ nhiên trừ những người đã bị xe tông chết rồi!). Điều đó tiết lộ khá nhiều về văn hoá giao thông ở Việt Nam, một thứ văn hoá dựa trên hai nguyên tắc chính:

1. Khi nào có thể chèn, lấn được thì cứ chèn lấn. Chèn lấn đến mức tối đa.

2. Chỉ dừng lại ngay trước khi có thể gây tai nạn.

Áp dụng nguyên tắc ấy, khi lái xe, người ta không bao giờ nhường nhau cả. Lúc nào cũng lao xe về phía trước. Phía ấy cũng có xe đang lao tới? Mặc kệ. Tuyệt đối không nhường. Cứ lao tới. Đến lúc sắp đụng, một trong hai chiếc sẽ tự động lách qua hay chậm lại nhường cho xe kia. Nhiều người nhận xét cảnh xe cộ chạy trên đường phố Việt Nam như một cuộc luân vũ vừa hỗn loạn nhưng lại hài hoà; ai cũng tranh nhau nhưng lại biết nhường nhau ngay trước khi có thể xảy ra tai nạn. Nói như vậy, thật ra, chưa chắc đúng hẳn. Sự hài hoà hay nhường nhịn biểu kiến ẩn giấu phía sau nó quy luật cạnh tranh sinh tồn cực kỳ gay gắt: Thường, xe lách hay nhường thường là xe nhỏ hơn, chậm hơn hoặc người lái yếu gan hơn. Bởi vậy, có thể nói, trên đường phố Việt Nam, (a) xe lớn luôn luôn thắng: xe tải thắng xe buýt; xe buýt thắng xe hơi; xe hơi thắng xe gắn máy; và xe gắn máy thắng xe đạp; (b) xe nào lấn lên phía trước một chút, xe ấy thắng; và (c), trong mọi trường hợp, những kẻ liều, nếu không bị tông chết, thường được nhường đường nhiều nhất.

Đối với người đi bộ cũng thế. Những người lái xe không bao giờ nhường đường. Nếu bạn ngập ngừng, dừng lại, người ta sẽ trờ xe tới ngay tức khắc. Nhưng nếu bạn cứ mạnh dạn dấn bước tới thì người ta sẽ dừng lại hay lách qua cho bạn đi. Có thể nói, trong tích tắc, có một cuộc thi gan âm thầm giữa người đi bộ và những người lái xe chung quanh: Người nào liều thì hoặc là chết hoặc là thắng cuộc. Dĩ nhiên, không ai muốn gây án mạng. Nên, số người đi bộ chiến thắng xe cộ tương đối cao.

Tôi biết những quy luật ấy, nhưng đi xe gắn máy hay đi bộ, tôi không thể an tâm được. Trong một nền văn hoá giao thông như vậy, sự an toàn của một cá nhân hoàn toàn tuỳ thuộc vào người khác: Nếu họ nhường, mình an toàn. Nhưng nếu họ, vì một cơn điên nào đó, không thèm nhường đường thì nhất định tai nạn sẽ xảy ra, trong đó, người chết hay bị thương tật chắc chắn là cái người đang đi bộ. Hoặc, người ta không điên, nhưng lỡ, do bất cẩn, mắt đang láo liên đâu đó, người ta không thấy thì sao? Thì xe cứ thế mà vượt lên. Và sẽ đè bẹp ngay cái người ngây thơ tin vào cái văn hoá giao thông dạy dỗ bạn cứ nhìn thẳng và đi thẳng!

Nhớ, năm 2002, tôi dẫn cả nhà về Việt Nam. Đó là lần đầu tiên hai đứa con tôi về Việt Nam. Những ngày cuối năm, dịp Giáng sinh và Tết Tây, xe cộ như mắc cửi. Không cách gì có thể thuyết phục được các con tôi chịu băng qua đường. Chúng sợ. Nhìn thấy người khác băng qua đường an toàn, chúng cũng sợ. Nhiều lần, tôi phải gọi tắc xi, thành thực mà nói, chỉ để nhờ chở qua…bên kia đường.

Chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm đẹp và ngọt ngào trong các con tôi, một đứa rời Việt Nam lúc mới hai tuổi và một đứa thì ra đời ở Pháp. Tuy nhiên, giao thông vẫn là một ấn tượng xấu nhất. Và hãi hùng nhất. Con gái tôi, lúc ấy 18 tuổi, trên chuyến bay từ Sài Gòn về Melbourne, thắc mắc: “Con không hiểu tại sao, người Việt Nam lúc nào cũng tự hào là thông minh và tài giỏi, vậy mà chỉ một điều tương đối đơn giản là lái xe cho đàng hoàng, vẫn không làm được như mọi người khác?”

Bạn nghĩ xem, tôi nên trả lời cho con tôi như thế nào để cháu hiểu và thông cảm?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG