Đường dẫn truy cập

Nghĩ về viết lách: Tín ngưỡng và thơ


<!-- IMAGE -->

Trong lịch sử nhân loại, có lẽ chỉ có hai điều là thực sự có tính chất phổ quát: tín ngưỡng và nghệ thuật.

Có một số dân tộc và bộ tộc, nhất là bộ tộc, không có sinh hoạt kinh tế và chính trị, cũng như không có các thiết chế gắn liền với kinh tế và chính trị là tiền và nhà nước. Tuy nhiên, dường như không có dân tộc hay bộ tộc nào, dù sơ khai đến mấy, lại không có tín ngưỡng và nghệ thuật.

Tôn giáo có thể không, nhưng tín ngưỡng thì nhất định là có. Trong cách hiểu của tôi, tôn giáo là trình độ phát triển cao của tín ngưỡng. Cao về phương diện nhận thức: nó có tính triết lý và dựa trên một số điển phạm. Cao về phương diện tổ chức: nó được nghi lễ hoá, thiết chế hoá và đẳng cấp hoá. Cao ở phạm vi: nó được toàn quốc hoá, và ở một số trường hợp, như với bốn tôn giáo lớn, Thiên Chúa giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo, được toàn cầu hoá.

Nghệ thuật thì căn bản nhất vẫn là nghệ thuật ngôn từ; trong nghệ thuật ngôn từ, hình thức căn bản và phổ biến nhất vẫn là thơ; trong thời hiện đại, và nhất là, hậu hiện đại, thơ không còn đóng vai trò chủ đạo nữa nhưng dẫu sao nó vẫn ở vị trí căn bản: không ai phủ nhận thơ là tinh tuý của nghệ thuật ngôn ngữ.

Có thể nói tín ngưỡng và thơ là yếu tính của nhân loại: Ở đâu cũng có. Thời nào cũng có.

Nhưng tại sao tín ngưỡng và thơ lại gắn liền với nhân loại một cách sâu sắc, gần như tất yếu, như vậy?

Có nhiều lý do, nhưng trong đó, hai lý do quan trọng nhất, theo tôi, là: Thứ nhất, cả hai đều gắn liền với những ước mơ bay bổng của con người: trong khi tín ngưỡng là những ước mơ lớn và xa, thơ là ước mơ đẹp và gần. Thứ hai, cả hai đều có chức năng nâng cao kích thước của con người và mở rộng diện tích của cuộc đời để con người không còn là những thân xác trần trụi trên cuộc đời hiện thế này.

Với tín ngưỡng, cuộc đời không phải chỉ có hiện tại mà còn có cả quá khứ và tương lai, có tiền kiếp và hậu kiếp; không phải chỉ bao gồm những gì đang hiện hữu sờ sờ trước mắt mà còn bao gồm cả thế giới vô hình vô sắc. Với thơ, con người không phải chỉ có cái đầu, bộ phận tiêu hoá và bộ phận sinh dục mà còn có con tim.

Tín ngưỡng linh thiêng hoá từng cơn gió từng cơn mưa từng ngọn núi từng con sông…; thơ linh thiêng hoá từng sợi tóc từng ánh mắt từng tiếng thở dài cũng như từng cái trở mình trằn trọc trong khuya khoắt.

Tín ngưỡng làm giàu có đời sống nội tâm con người bằng cách ngẩng lên trên và ngó ra ngoài; thơ làm giàu có thế giới bên ngoài bằng cách ngó sâu vào cái nội tâm hun hút bên trong con người.

Tín ngưỡng làm cho con người mạnh mẽ nhờ một quyền lực được vay mượn từ thế giới siêu hình; thơ làm cho con người mạnh mẽ nhờ huy động và chuốt lọc cái mà mình đang có: ngôn ngữ.

Tín ngưỡng nhắc nhở con người đang sống với những người đã khuất; thơ nhắc nhở con người là họ đang sống với những người-đang-sống.

Tín ngưỡng giúp người ta trở thành tốt hơn; thơ giúp họ đẹp hơn.

Nhờ tín ngưỡng, con người khám phá ra cái cao cả; nhờ thơ, con người khám phá ra cái thi vị.

Tín ngưỡng biến cuộc đời thành một phương tiện để vươn tới một cứu cánh ở ngoài nó; thơ cứu cánh hoá một phương tiện: ngôn ngữ; với nó, ngôn ngữ không còn là một phương tiện truyền thông, một thứ ký hiệu nhằm biểu đạt một cái gì khác mà thành một vật tự nó.

Tín ngưỡng và thơ rất gần nhau. Ngôn ngữ tôn giáo nào cũng là ngôn ngữ thơ. Thơ đầy tràn trong các tín ngưỡng. Với nhiều người, trong đó có Les Murray, trong bài “Thơ và tôn giáo”, “các tôn giáo là những bài thơ” (Religions are poems). Trần Dần, trong Sổ bụi 1988, cũng viết thế: “Thơ với tôi như tôn giáo không nhà thờ - không giáo chủ. Chẳng tăng sư.” (1)

Thơ, tự bản chất, cũng là một thứ tín ngưỡng: Đó là thứ tiếng nói của niềm tin và của sự say mê.

Hãy nhìn các thi sĩ thực sự và những người tu hành thực sự: Họ đều giống nhau, nói như Vũ Hoàng Chương, trong một câu thơ thật đẹp, trong bài “Nguyện cầu”: “Cao xanh liều một cánh tay níu trời”.

Chú thích:

Trần Dần (2007), Thơ, Nhã Nam & nxb Đà Nẵng, tr. 402.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG