<!-- IMAGE -->
Vừa rồi, có một thanh niên từ trong nước gửi cho Tiền Vệ, tờ báo mạng do Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi điều hành, một số bài tiểu luận về văn học. Đọc, chúng tôi phát hiện ra ngay là tác giả đã lấy nguyên nhiều đoạn trong một bài viết của tôi đã được đăng trên Tiền Vệ trước đó. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc: ăn cắp bài trên Tiền Vệ rồi lại gửi ngay cho Tiền Vệ. Thực tình, chúng tôi không thể nào hiểu được tại sao tác giả lại bất cẩn đến độ như vậy. Hay anh coi đó là chuyện bình thường?
Mà có lẽ thế thật.
Dễ thấy là hiện tượng đạo văn, đạo thơ, tức ăn cắp thơ văn hay ý tưởng của người khác đang là một vấn đề hết sức phổ biến và nghiêm trọng tại Việt Nam hiện nay. Thủ phạm có khi là những người nổi tiếng và có thế giá trong xã hội, từ nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng đến các giáo sư, tiến sĩ có quyền có chức trong hệ thống giáo dục quốc gia.
“Thượng bất chính” như vậy thì “hạ tắc loạn”. “Hạ” ở đây là các sinh viên học sinh. Báo chí trong nước từng nhiều lần tố cáo hiện tượng viết bài thuê hay hiện tượng đạo văn không phải của các sinh viên bậc cử nhân mà ngay cả của các sinh viên hậu đại học, từ cấp thạc sĩ đến cấp tiến sĩ. Ở đâu cũng có đạo văn. Đạo văn một cách công khai, ngang ngược, bất chấp cả liêm sỉ.
Theo tôi, điều đáng lo ngại nhất chính là ở chỗ “bất chấp liêm sỉ” ấy. Ăn cắp thì ở đâu cũng có. Nhưng, bình thường, bọn ăn cắp thường bị xã hội khinh miệt, do đó, ít nhiều cảm thấy xấu hổ; cũng do đó, bao giờ cũng có vẻ lén lén lút lút. Ở đây, ngược lại, những người ăn cắp lại không có vẻ gì thẹn thùng cả. Nó cho thấy có sự xói mòn về phương diện đạo đức, đặc biệt, đạo đức trí thức.
Nói đến đạo đức là nói đến trách nhiệm của cả xã hội. Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là giáo dục. Nói cách khác, theo tôi, giáo dục Việt Nam cần phải quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề đạo văn.
Cũng xin nói ngay, đạo văn (plagiarism) trong học đường không phải là chuyện hiếm. Với sự phát triển của internet, việc đạo văn lại càng dễ dàng, và vì dễ dàng, nên càng ngày càng phổ biến. Theo Susan D. Blum, trong cuốn My Word! Plagiarism and College Culture (Ithaca: Cornell University Press, 2009), kết quả của một cuộc điều tra cho thấy: hơn 75 phần trăm sinh viên thú nhận đã từng gian lận, và 68 phần trăm sinh viên thú nhận đã từng cắt và dán các tài liệu lấy từ internet khi viết luận văn mà không hề ghi xuất xứ! (tr. 1).
Biết như vậy, hầu hết các đại học ở Tây phương, ngoài các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt, đều đặt nặng vấn đề giáo dục sự lương thiện trí thức. Khi nộp bài làm, sinh viên thường được yêu cầu ký tên vào phần tuyên thệ là mình không đạo văn được in sẵn. Gần đây, nhiều trường đại học yêu cầu các giáo sư nhấn mạnh đến điều đó ngay trong các tờ chương trình môn học (unit/subject guide) phát cho sinh viên vào đầu mỗi học kỳ. Trong suốt học kỳ, đặc biệt khi phát đề luận văn, giáo sư hầu như thường xuyên nhắc nhở sinh viên về việc đọc, và ghi chú các tài liệu trích dẫn. Nhiều trường đại học còn buộc tất cả các sinh viên năm thứ nhất phải học môn cơ bản (foundation subject) để được đào luyện về phương pháp nghiên cứu, trong đó, một trong những nội dung chính là tránh đạo văn.
Ở Việt Nam, theo chỗ tôi được biết, những điều như vậy rất ít được nhấn mạnh. Đó là điều rất cần làm. Tiếc, người ta lại không làm.
Nhưng việc ngăn ngừa đạo văn không thể chỉ được thực hiện bằng những lời khuyên răn hay đe doạ. Nó phải được giáo dục song song với việc giáo dục lòng tự tin và tự trọng. Ai cũng biết gốc rễ sâu xa của việc đạo văn là sự thiếu tự tin và tư trọng. Nhưng tự tin và tự trọng, trong phạm vi trí thức, chỉ được nuôi dưỡng khi tinh thần sáng tạo được tôn vinh. Không đặt trên nền tảng đề cao sự sáng tạo, người ta sẽ không thể cảm thấy xấu hổ khi ăn cắp ý tưởng hay lời văn của người khác. Có điều sáng tạo phải đi liền với tự do, chủ yếu là tự do tư tưởng. Có lẽ đây chính là rào cản cuối cùng mà nền giáo dục Việt Nam, để rèn luyện sự lương thiện trí thức, cần phải vượt qua.
Tự nhiên nhớ một chuyện cũ: lúc mới tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, tôi viết một bài tiểu luận về Chinh phụ ngâm và đưa cho một giáo sư kỳ cựu trong khoa đọc để góp ý. Ông khen nhiều thứ nhưng nghiêm khắc phê phán một điều: về quan điểm, nó hoàn toàn phi-Mácxít. Tôi nhận “lỗi” nhưng cố vớt vát là mình muốn tìm tòi một cách nhìn mới. Ông trừng mắt, nạt: “Thì đọc của người khác rồi diễn đạt lại theo lời văn của mình tức là mới rồi!”
Tôi nghẹn ngào. Và loé lên ý nghĩ: Phải vượt biên thôi! Không thể sống như thế này mãi được!
Chú thích:
Hiện tượng đạo văn và đạo thơ trong giới cầm bút Việt Nam khá nhiều. Nhưng tiêu biểu nhất có lẽ là vụ đạo thơ của Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.
Bài “Hỏi” của Hữu Thỉnh như sau:
Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Bài này bị tố cáo là ăn cắp cả ý lẫn lời từ bài “Thượng đế sinh ra mặt trời” của Christa Reinig, một nhà thơ Đức. Nguyên văn bài thơ này như sau:
Gott schuf die sonne
Ich rufe den wind
wind antworte mir
ich bin sagt der wind
bin bei dir
ich rufe die sonne
sonne antworte mir
ich bin sagt die sonne
bin bei dir
ich rufe die sterne
antwortet mir
wir sind sagen die sterne
alle bei dir
ich rufe den menschen
antworte mir
ich rufe - es schweigt
nichts antwortet mir
(Christa Reinig, Gedichte, Nxb Fischer 1963, tr. 34)
Bản dịch tiếng Việt:
Thượng đế tạo ra mặt trời
Tôi hỏi gió
Gió với em thế nào?
- Gió luôn ở bên em.
Tôi hỏi mặt trời
Mặt trời với em thế nào?
- Mặt trời luôn ở bên em.
Tôi hỏi các vì sao
Các vì sao với em thế nào?
- Các vì sao luôn ở bên em.
Tôi hỏi con người
Con người với em thế nào?
- Con người im lặng không ai trả lời tôi.
Vụ đạo thơ này được nhiều diễn đàn đề cập. Nhiều nhất là trên Talawas vào năm 2006. Hiện nay, Talawas đã bị tin tặc tấn công nên tôi không ghi đường link được. Tuy nhiên, để kiểm tra hoặc tìm hiểu thêm, độc giả có thể vào Google và đánh chữ “Hữu Thỉnh” “đạo thơ”. Nếu đường link dẫn vào Talawas thì bấm vào chữ “cached”, các bạn có thể đọc được.