Đường dẫn truy cập

TT tân cử Nam Triều Tiên phác thảo chính sách đối ngoại


Người sắp giữ chức Tổng thống Nam Triều Tiên cho hay: ông sẽ lấy thái độ 'nhẫn nại và thành thật' để giao tiếp với Bắc Triều Tiên. Ông Lee Myung Bak cũng cho hay: trong việc giao tiếp với Nhật bản ông sẽ tập trung vào tương lai thay vì nhấn mạnh tới những điều gây bất mãn trong quá khứ. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết về vấn đề này, dựa theo tường thuật do thông tín viên Kurt Achin của đài VOA gởi về từ Hán Thành.

Ông Lee Myung Bak đã trình bày chương trình nghị sự của ông trong lãnh vực đối ngoại cho các nhà báo nước ngoài ở Hán Thành ngày hôm nay. Ông cam kết sẽ đặt vấn đề loại trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên làm ưu tiên chính.

Ông Lee nói rằng tuy tiến trình tháo dỡ các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên có chậm trễ trong thời gian gần đây nhưng chính phủ ông sẽ tiếp tục có thái độ thận trọng và kiên nhẫn để giải quyết vấn đề này.

Những nỗ lực ngoại giao đa quốc tiến hành trong nhiều năm nhằm chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã không ngăn được việc Bình Nhưỡng thử nghiệm một quả bom hạt nhân hồi tháng 10 năm 2006. Hồi gần đây, Bắc Triều Tiên đã có một số hành động tiến tới việc tháo dỡ các cơ sở hạt nhân nhưng vẫn chưa thực thi cam kết là khai báo đầy đủ các hoạt động hạt nhân.

Ông Lee Myung Bak cho hay: ông sẽ tiếp tục tìm cách thuyết phục để Bắc Triều Tiên nhận thức được rằng từ bỏ vũ khí hạt nhân là phù hợp với quyền lợi của họ. Hôm nay, ông đã nhắc lại cam kết mà ông đưa ra trong thời gian vận động tranh cử, trong trường hợp Bắc Triều Tiên từ bỏ tất các loại vũ khí hạt nhân, Nam Triều Tiên sẽ thực hiện những dự án đầu tư ở miền Bắc với mục tiêu nhắm tới là tăng gấp ba thu nhập bình quân đầu người của dân chúng Bắc Triều Tiên, lên tới 3,000 đô la mỗi năm.

Ông Lee Myung Bak cũng hứa hẹn là sẽ tiến hành một cuộc đối thoại mà ông gọi là thành thật và cởi mở với chính phủ Cộng Sản ở Bình Nhưỡng về những hành vi chà đạp nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Ông đã bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng việc ông định dẹp bỏ Bộ Thống nhất có nghĩa là công cuộc hợp tác Liên Triều sẽ kém phần quan trọng. Ông cho rằng hợp tác Bắc Nam đã nới rộng, vượt khỏi phạm vi của một bộ duy nhất, và hầu như tất cả các bộ trong chính phủ Nam Triều Tiên sẽ cần tới các chuyên gia để đảm trách những công việc có liên hệ với miền Bắc.

Xét về mặt pháp lý, Nam và Bắc Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh, và quân đội Hoa kỳ vẫn còn khoảng 28,000 binh sĩ trú đóng ở Nam Triều Tiên để ngăn không cho Bắc Triều Tiên tái diễn cuộc tấn công của năm 1950 và buộc họ tuân thủ các điều kiện của hiệp định ngưng bắn ký kết năm 1953.

Hôm nay, ông Lee Myung Bak cho hay: chính phủ ông sẽ thực hiện điều mà ông gọi là 'sự cải tổ có tính sáng tạo' đối với mối quan hệ đồng minh với Hoa ký. Nhiều chuyên gia cho rằng quan hệ này đã trở nên lỏng lẻo vì có sự khác biệt giữa Washington với chính phủ của đương kim Tổng thống Roh Moo Hyun về mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.

Ông Lee Myung Bak tuyên bố rằng ông sẽ tăng cường quan hệ với Trung quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước ông. Ông cũng hứa sẽ áp dụng một đường lối thực tiễn trong việc giao tiếp với Nhật bản, là nước từng xâm chiếm bán đảo Triều Tiên.

Ông Lee tuyên bố rằng ông sẽ theo đuổi một chính sách 'hướng tới tương lai' với Nhật bản. Và cá nhân ông, ông không hề có ý định 'quay lại với qua khứ' bằng cách yêu cầu chính phủ ở Tokyo tạ lỗi.

Nhật bản đã đặt Triều Tiên dưới ách cai trị thực dân rất khắc nghiệt khi họ chiếm đóng bán đảo này trong nửa đầu của thế kỷ 20. Nhiều người Triều Tiên cho rằng Tokyo chưa thật tâm hối lỗi đối với những hành vi tàn ác trong quá khứ. Họ tố cáo rằng Nhật bản tìm cách đề cao quá khứ đế quốc của mình qua việc sửa đổi sách giáo khoa môn sử, và các nhà lãnh đạo ở Tokyo không ngưng việc chính thức đến thăm đền liệt sĩ Yasukuni, nơi có thờ phượng cả những can phạm tội ác chiến tranh.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG