Người sắp làm Tổng thống Nam Triều Tiên cho hay: ông dự trù dẹp bỏ một bộ trong chính phủ từng đảm nhiệm các mối quan hệ với Bắc Triều Tiên trong gần 40 năm qua. Tuy nhiên, theo tường thuật do thông tín viên Kurt Achin của đài chúng tôi gởi về từ Hán Thành, kế hoạch này cần có sự sự phê chuẩn của quốc hội nhưng lại gặp phải sự chống đối của nhiều nhà lập pháp.
Kế hoạch của ông Lee Myung Bak, người đắc cử tổng thống Nam Triều Tiên, là sáp nhập Bộ Thống Nhất vào Bộ Ngoại Giao. Hành động này nằm trong khuôn khổ của một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm tái cấu trúc chính phủ qua việc dẹp bỏ 4 bộ khác và mang nhiệm vụ của các bộ đó giao cho các bộ còn lại.
Bà Lee Kyung Suk, người đứng đầu toán nhân viên đặc trách công tác tiếp nhận quyền hành, hôm nay tuyên bố rằng quan hệ Liên Triều đã thay đổi kể từ khi Bộ Thống nhất được thành lập vào năm 1969.
Bà Lee nói: "Quan hệ giữa Nam và Nam Triều Tiên đã trở nên mật thiết hơn nhiều, cho nên công tác thống nhất không còn có thể được giao phó cho một bộ duy nhất. Giờ đây tất cả các bộ trong chính phủ cần phải tham gia vào những nỗ lực hòa giải. Tuy nhiên, những nỗ lực này cần phải nằm trong khuôn khổ của một chính sách ngoại giao bao quát hơn."
Về mặt pháp lý, Nam và Bắc Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến bùng ra năm 1950 chỉ chấm dứt ban năm sau đó bằng một hiệp định ngưng bắn chứ không có hòa ước chính thức. Cả đôi bên đều không thừa nhận bên kia là một quốc gia riêng và mỗi bên đều dành quyền đại diện cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù vậy, Hán Thành và Bình Nhưỡng đều thừa nhận nhau trên thực tế; và từ năm 2000 đến nay họ đã tổ chức hai cuộc hộïi nghị thượng đỉnh và thực hiện hàng loạt những dự án kinh tế và văn hóa để nới rộng công cuộc giao lưu giữa hai miền Nam Bắc. Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên là cơ quan phụ trách những công việc vừa kể của phía Hán Thành.
Giáo sư Kim Yong Hun, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Dongkuk ở Hán Thành, cho rằng việc dẹp bỏ Bộ Thống nhất là sai lầm.
Giáo sư Kim nói: "Bắc Triều Tiên sẽ có một cái nhìn bi quan về những ý định của Nam Triều Tiên nếu bộ Thống nhất bị đóng cửa. Bộ này lâu nay vẫn đóng vai trò đối trọng với những cơ cấu ở Bắc Triều Tiên. Giới hữu trách ở Bình Nhưỡng có thể sẽ nghĩ rằng Tổng thống Lee Myung Bak muốn xem các mối quan hệ Liên Triều ngang tầm với những chính sách đối ngoại khác."
Đương kim Tổng thống Roh Moo Hyun và người tiền nhiệm của ông -- là ông Kim Thê Jung, xem các mối quan hệ giữa hai miền Nam Bắc là một vấn đề đặc thù và tế nhị, và cần phải được xử lý một cách riêng rẽ -- cách biệt với những tiến trình ngoại giao khác. Dựa theo cách thức xử lý này, quan hệ Liên Triều đôi khi đã được tách biệt với các nỗ lực đa quốc nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ông Lee Myung Bak có một chủ trương khác hẳn với chủ trương vừa kể. Ông nhiều lần tuyên bố rằng sự phát triển của các mối quan hệ Nam Bắc sẽ tùy thuộc vào tiến bộ của Bình Nhưỡng trong việc dẹp bỏ các chương trình hạt nhân.
Chính phủ của Tổng thống Lee Myung Bak, có chủ trương bảo thủ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tranh thủ sự phê chuẩn của quốc hội đối với kế hoạch dẹp bỏ Bộ Thống nhất. Những đối thủ chính trị thuộc phe tự do của ông Lee vẫn còn chiếm thế đa số ở quốc hội. Hôm nay, hầu hết các chính khách này đã đưa ra những tuyên bố để phản đối kế hoạch của ông Lee.
Theo lịch trình đã định, ông Lee Myung Bak sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 25 tháng hai tới đây.