Đường dẫn truy cập

Mối quan hệ Việt-Mỹ sau 10 năm bình thường hóa quan hệ


Hôm nay, Tổng thống Bush sẽ tiếp kiến Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải tại Tòa Bạch Ốc để đánh dấu 10 năm ngày bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cựu thù. Nghị trình của cuộc hội đàm sẽ bao gồm các vấn đề mậu dịch và nhân quyền. Từ bộ ngoại giao Hoa kỳ, TTV David Gollust đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây:

Cựu Tổng thống Hoa kỳ, ông Bill Clinton đến thăm Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ của ông, tháng 11 năm 2000, nhưng chuyến thăm Washington của ông Phan văn Khải là chuyến thăm Hoa kỳ đầu tiên của một nhà lãnh đạo Việt Nam kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc cách đây 30 năm.

Hành động của chính phủ của Tổng thống Clinton để nối lại quan hệ ngoại giao với Hà nội năm 1995 đã gây nhiều tranh cãi và đã gặp sự chống đối của các nhà lập pháp bảo thủ của Mỹ, các tổ chức cựu chiến binh cũng như gia đình của các quân nhân Mỹ vẫn bị liệt kê là mất tích tại Đông dương.

Tuy nhiên chuyến công du Hoa kỳ của ông Khải không gây nhiều tranh cãi giữa lúc, ngoài nhiều vấn đề khác, Việt Nam đã nhiều năm hợp tác với Hoa kỳ trong việc tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích và công cuộc mậu dịch giữa hai nước ngày càng gia tăng.

Tại một cuộc tiếp xúc với báo chí, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa kỳ Adam Ereli cho biết quan hệ song phương với Hà Nội đã được cải tiến khá nhiều kể từ khi được bình thường hóa trong một thập niên qua.

Như quý vị thấy đó, chúng ta đã đạt được một thỏa hiệp về vấn đề tự do tín ngưỡng, và những hành động cùng những lời cam kết mà Vietnam sẽ thực thi để giải quyết những mối lo ngại của chúng ta trong lãnh vực này. Việt Nam đang mong muốn tham gia tổ chức Thương mại thế giới, và đó là điều chúng ta cho là quan trọng, và đang làm việc với Việt Nam, cùng các đối tác khác của chúng ta trong tổ chức Thương mại thế giới để hỗ trợ cho Việt Nam. Và dĩ nhiên còn có một vấn đề rất quan trọng là vấn đề quân nhân Mỹ mất tích cùng nhiều vấn đề khác sau chiến tranh vẫn tiếp tục là một khía cạnh quan trng trong các quan hệ song phương.

Hai chính phủ đã loan báo một thỏa hiệp hôm mùng 5 tháng 5 theo đó chính phủ Hà nội đồng ý thi hành một số biện pháp để cải thiện thành tích của họ về tự do tôn giáo nhằm tránh những sự trừng phạt của Hoa kỳ theo một đạo luật của quốc hội năm 1998.

Việt Nam cùng 7 nước khác đã bị liệt vào danh sách các nước được đặc biệt quan tâm trong bản phúc trình hằng năm của bộ ngoại giao Hoa kỳ về tự do tôn giáo trên toàn cầu, được công bố hồi tháng Ba vừa qua.

Theo thỏa hiệp song phương chưa từng có trước đây, được ký kết hồi tháng trước Việt Nam đã thực thi một số biện pháp kể cả việc phóng thích một số tù nhân tôn giáo, cho phép những giáo hội bị đóng được mở cửa lại, và cấm việc cưỡng ép bỏ đạo.

Phát ngôn viên Ereli nói rằng các giới chức Mỹ hy vọng là Hà Nội sẽ thực thi đầy đủ những cam kết này để tránh những biện pháp trừng phạt khi việc thực thi được duyệt xét lại sau này trong năm.

Mặc dầu có những cam kết về tự do tôn giáo, tổ chức Human Rights Watch nói rằng thành tích nhân quyền của Việt Nam vẫn tồi tệ, và hối thúc Tổng thống Bush nhấn mạnh đến vấn đề này khi Tổng thống gặp ông Khải.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ sáu tuần trước tổ chức Human Rights Watch nói rằng những cải cách kinh tế được quảng bá rộng rãi tại Việt Nam đã không được tiếp nối bằng những cải cách nhân quyền. Tổ chức này nói rằng những vụ vi phạm liên tục của Việt Nam bao gồm việc bắt giữ những người tranh đấu cho dân chủ và những người bất đồng chính kiến viết bài trên internet, và việc kiểm duyệt và kiểm soát giới truyền thông quốc nội kể cả mạng internet.

Hoa kỳ và Việt Nam đạt được một hiệp định thương mại năm 2001 và tuần trước hoàn tất vòng đàm phán song phương thứ 8 về việc Hà nội xin gia nhập tổ chức thương mại thế giới.

Các công ty tư của Hoa kỳ đã đầu tư gần 70 triệu đôla vào Việt Nam tront năm ngoái, và mậu dịch hai chiều trong năm 2004 đã vượt quá 6 tỉ đôla.

Trước khi đến Washington Thủ tướng Phan Văn Khải đã dừng chân tại Seattle, tiểu bang Washington hôm qua, nơi ông và giám đốc công ty Microsoft là ông Bill Gates đã ký một thỏa hiệp để giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ điện toán.

Các giới chức Ngũ giác đài cho biết các toán quân nhân Mỹ đi Việt Nam nhiều lần mỗi năm để kiếm hài cốt các quân nhân Mỹ bị mất tích, và hơn 500 bộ hài cốt của quân nhân Mỹ đã được nhận diện kể từ khi hai chính phủ bắt đầu những cuộc tìm kiếm chung năm 1986.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG