Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn giáo sư Ðoàn Viết Hoạt về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải


Thưa quí thính giả, như tin tức đã loan, vào ngày 19 tháng này, Thủ Tướng chính phủ Việt Nam, ông Phan Văn Khải sẽ đến thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng Thống George W. Bush. Trong dịp này giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người từng bị nhà cầm quyền Hà Nội giam giữ trong nhiều năm vì đã tranh đấu cho lý tưởng tự do dân chủ tại Việt Nam, đã phổ biến một bản tuyên bố về đến chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cách đây 30 năm. Sau đây là một số chi tiết có liên quan đến bản tuyên bố vừa kể qua cuộc phỏng vấn mà giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Kính chào giáo sư Đoàn Viết Hoạt, nhân dịp Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải đến thăm Hoa Kỳ vào ngày 19 tới đây, giáo sư có đưa ra một bản tuyên bố có liên quan đến diễn tiến này, thưa giáo sư, cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của ông Phan Văn Khải có ảnh hưởng như thế nào đối với nền bang giao Việt Mỹ?

Thưa chúng tôi nghĩ rằng đây là một sự kiện quan trọng, nó sẽ mở đầu cho một giai đoạn mới trong mối bang giao Việt Mỹ sau một0 năm là giai đoạn đầu tiên mà Hoa Kỳ trở lại thiết lập bang giao với Việt Nam, một nước Việt Nam Cộng Sản, sau năm 1975, do đó tôi nghĩ rằng đây là giai đoạn thứ hai, giai đoạn mở đầu cho một giai đoạn mới.

Thưa giáo sư, giai đoạn mới này sẽ như thế nào?

Theo chúng tôi nghĩ thì giai đoạn này sẽ đi vào những vấn đề quan trọng về quan hệ giữa 2 nước trên mặt chiến lược trong khu vực cũng như là thương mại và nó sẽ nâng cấp quan hệ lên một bậc thứ hai để cho 2 nước thật sự trở thành những người bạn, và trong lâu dài có thể trở thành những đồng minh, và chắc chắn là có nhiều việc cần phải làm để có thể tiến vào giai đoạn thứ hai này được

Thưa giáo sư, những công việc mà 2 nước cần phải tiến hành là những việc gì, trước hết là phía Hoa Kỳ?

Về phía Hoa Kỳ thì như chúng ta đều biết, Hoa Kỳ đang đóng vai trò lãnh đạo trên thế giới trong nhiều vần đề của toàn cầu, và trong giai đoạn tới đây, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ chú trọng nhiều đến khu vực Á Châu Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á trong cái quan hệ đối với một nước lớn ở đó là Trung Quốc. Trong cái chính sách mới của Hoa Kỳ được đưa ra như chúng ta đã biết thì Hoa Kỳ chú trọng rất nhiều đến vấn đề an ninh trong khu vực cũng như của chính Hoa Kỳ trong vấn đề chống khủng bố quốc tế. Tuy nhiên để có được an ninh thì Hoa Kỳ đã chủ trương phải phát triển dân chủ, tự do, và tôn trọng nhân quyền trên khắp thế giới. Do đó, một trong những việc mà Hoa Kỳ chắc chắn phải chú ý đến tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là đối với Việt Nam cũng như Miến Điện, là phát triển nền dân chủ ở đó và phát triển một xã hội tự do. Chúng ta kỳ vọng rằng Hoa Kỳ sẽ đặt trọng tâm trong giai đoạn tới vào các mối quan hệ với những nước như Việt Nam.

Đó là về phía Hoa Kỳ, còn về phía Việt Nam thì cần phải có những nỗ lực nào, thưa giáo sư?

Đối với phía Việt Nam thì như chúng ta đều biết thì Việt Nam vẫn còn là một nước chậm tiến và một trong những nước chậm tiến nhất ở Á Châu. Do đó cái mong mỏi của tất cả mọi người Việt ở trong nước cũng như hải ngoại là thấy Việt Nam nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng chậm tiến đó. Tuy nhiên để làm được như vậy thì nó đòi hỏi chính phủ Cộng Sản Việt Nam hiện nay phải có những thay đổi lớn về mặt văn hóa cũng như chính trị sau khi đã chấp nhận cái nền kinh tế thị trường . Và ngay cả cái nền kinh tế thị trường không thôi mà nếu không có những thay đổi quan trọng về mặt văn hóa, giáo dục, thông tin thì chắc chắn là cái nền kinh tế thị trường cũng không thể phát triển đúng mức được dù là nó đang phát triển rất là tốt, nhưng mà cái mức độ và tốc độ phát triển như chúng tôi đã tuyên bố thì nó chưa ngang tầm với cái sức sống và tiềm năng của người dân Việt Nam và cũng như cơ hội mà thế giới và các nước trong khu vực đã cung cấp cho Việt Nam. Do đó chắc chắn Việt Nam phải có những thay đổi lớn hơn nửa, mở rộng tự do hơn nửa trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin và đặc biệt là phải dẫn tới một nền chính trị thật sự dân chủ, trong đó người dân có quyền bầu cử và đề cử, cũng như lựa chọn những người lãnh đạo để thật sự có thể chống lại những vấn nạn như tham nhũng và có thể mở đường cho đất nước phát triển và cạnh tranh được với các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Thưa giáo sư, giáo sư kỳ vọng những gì nơi Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush, liên quan đến Việt Nam, nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải?

Chúng tôi kỳ vọng rằng Tổng Thống Bush cũng như chính phủ Hoa Kỳ nhìn thẳng vào sự thật tại Việt Nam, và có mấy sự thật mà có lẻ Tổng Thống Bush cần phải đặt ra, hoặc là công khai hoặc là riêng tư với ông Phan Văn Khải trong chuyến đi này. Đó là cái chính phủ Việt Nam chưa đại diện được cho toàn dân Việt Nam thông qua những cuộc bầu cử thật sự tự do. Những tiếng nói đối lập, những tiếng nói khác biệt mà ngay cả trong ban lãnh đạo của đảng Cộng Sản cũng không được trình bày một cách công khai để cho dân chúng xem xét và chọn lựa. Đó là những điểm mà tôi nghĩ rằng nó cản trở sự phát triển của Việt Nam hiện nay và cản trở một đất nước hòa bình và phát triển toàn diện để có thể giúp Việt Nam trở thành một đối tác về thương mại cũng như một đồng minh chiến lược đáng tin cậy của Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng đây là những điểm cần được nêu lên trong cuộc đối thoại thẳng thắn giữa Tổng Thống Bush, người đại diện chân chính và được dân chúng bầu lên ở Hoa Ky,ợ với một người đại diện cho một chính phủ Cộng Sản mà thật sự cái quyền lợi chỉ là quyền lợi của đảng Cộng Sản chứ chưa chắc là của toàn thể người dân Việt Nam. Trong cuộc đối thoại đó chúng tôi hy vọng rằng Tổng Thống Bush sẽ đặt một vấn đề căn bản tức là nhu cầu phải thay đổi về chính trị thì mới có thể mở đường cho Việt Nam trở thành một đồng minh đắc lực, một đồng minh thân thiện và tốt đẹp với thế giới cũng như với Hoa Kỳ.

Cám ơn giáo sư Đoàn viết Hoạt đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG