Đường dẫn truy cập

Nepal đánh giá thiệt hại sau trận mưa lớn, lũ lụt khiến 192 người tử vong


Những người dân mắc kẹt trên xa lộ Tribhuwan theo dõi nhân viên cứu hộ tìm thi thể các nạn nhân sau trận lở đất do mưa lớn gây ra ở Dhading, Nepal, ngày 29/9/2024.
Những người dân mắc kẹt trên xa lộ Tribhuwan theo dõi nhân viên cứu hộ tìm thi thể các nạn nhân sau trận lở đất do mưa lớn gây ra ở Dhading, Nepal, ngày 29/9/2024.

Nepal hôm thứ Hai (30/9) bắt đầu đánh giá những thiệt hại do lũ lụt và lở đất gây ra vì mưa lớn khi người dân phải đối mặt với công việc khó khăn là dọn dẹp nhà cửa và lấy đồ đạc bị hỏng ra khỏi bùn đất.

Ít nhất 192 người chết và 32 người vẫn còn mất tích trong hai ngày mưa liên tục do hệ thống áp thấp ở Vịnh Bengal và trên các khu vực ở Ấn Độ giáp biên giới với Nepal.

Các quan chức cho biết tại các khu vực phía bắc Bangladesh, bị ngăn cách với Nepal bởi một dải đất hẹp của Ấn Độ, hơn 100.000 người đã bị mắc kẹt sau những trận mưa lớn và nước từ thượng nguồn tràn vào.

Thung lũng Kathmandu bao quanh bởi đồi núi, nơi sinh sống của bốn triệu người và là thủ đô, đã có 56 người tử vong và phải chịu một trong những trận tàn phá tồi tệ nhất trong những năm gần đây, khi các con sông tràn bờ và làm ngập nhà cửa, bệnh viện, đường sá, cầu cống và chợ.

Prithvi Subba Gurung, một bộ trưởng cấp cao và người phát ngôn của nội các, cho biết chính phủ đang đánh giá mức độ thiệt hại và chi phí tái thiết.

Một số trạm thời tiết ở Kathmandu đã ghi nhận lượng mưa 24 giờ cao nhất trong nhiều thập kỷ, vẫn theo lời các quan chức.

Surya Raj Acharya, một chuyên gia về cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị, cho biết việc xây dựng và đô thị hóa bừa bãi ở Kathmandu mà không tuân thủ kỹ thuật và quy hoạch cơ bản đã góp phần gây ra thiệt hại to lớn.

Ông nói: “Người dân lấn chiếm bờ sông để xây nhà, phớt lờ việc thực thi kỹ thuật và quy hoạch cơ bản, không có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải”.

“Không có lối thoát thích hợp cho nước sông trong mùa mưa khiến nước lũ tràn vào nhà”, ông Acharya cho biết.

Địa lý, địa hình, hệ thống sông ngòi, mưa mùa và khả năng xảy ra các sự kiện khí hậu cực đoan của Nepal phải được xem xét để lập kế hoạch như vậy, ông Acharya nói thêm.

Các nhà khoa học về khí hậu đồng tình với quan điểm của ông.

“Biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc làm trầm trọng thêm thảm họa, cùng với quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng kém”, Arun Bhakta Shrestha, chuyên gia về rủi ro khí hậu và môi trường tại Trung tâm Phát triển miền núi tích hợp quốc tế (ICIMOD) có trụ sở tại Kathmandu, nói.

Tại Bangladesh, nhiều vùng đất rộng lớn ở năm tỉnh phía bắc đã bị ngập sau khi mực nước sông Teesta dâng cao đột ngột, vượt qua ngưỡng nguy hiểm tại một số điểm, các quan chức tỉnh cho biết.

Mực nước dâng cao đã tàn phá nhiều vùng đất nông nghiệp, cuốn trôi các loại cây trồng như lúa và rau, cùng với các trang trại nuôi cá, khiến nhiều nông dân phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng. Nhà cửa, đường sá và cơ sở hạ tầng quan trọng cũng bị ngập lụt, buộc người dân phải chạy đến vùng đất cao hơn để đảm bảo an toàn.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới, khi cơ quan thời tiết Bangladesh cảnh báo sẽ có thêm mưa.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG