Đường dẫn truy cập

Lũ lụt gây chết người hoành hành ở Trung Âu, ít nhất 18 người thiệt mạng


Nhân viên cứu hỏa gia cố tường chống lũ ở Séc.
Nhân viên cứu hỏa gia cố tường chống lũ ở Séc.

Các trận mưa lớn và lũ lụt khắp Trung Âu đã làm ít nhất 18 người thiệt mạng và khiến các tình nguyện viên tại thị trấn Nysa của Ba Lan hôm 17/9 phải gia cố tường chắn lũ để ngăn chặn tình trạng nước sông dâng cao.

Các con sông vẫn tràn bờ ở Cộng hòa Séc, trong khi sông Danube đang dâng cao ở Slovakia và Hungary, và lũ lụt cũng đã ảnh hưởng đến Áo.

Các khu vực biên giới Séc-Ba Lan nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ cuối tuần, khi những con sông tràn bờ, mang theo các mảnh vỡ, đã tàn phá một số thị trấn, làm sập hoặc làm hỏng cầu và phá hủy nhà cửa.

Ba Lan đã tuyên bố tình trạng thảm họa trong khu vực và dành riêng 1 tỷ zloty (260,38 triệu đô la) cho các nạn nhân lũ lụt.

Đêm qua, các tình nguyện viên đã giúp nhân viên cứu hộ dùng bao cát để đắp bờ kè bị vỡ xung quanh Nysa, một thị trấn có 40.000 dân ở miền nam Ba Lan.

Một số cư dân kiểm tra nhà cửa sau khi lệnh sơ tán được ban hành hôm 16/9.

"Chúng tôi phải rời đi, mặc dù nhà chúng tôi có nhiều tầng", cư dân 45 tuổi Sabina Jakubowska cho biết. "Lúc này, mọi thứ trông có vẻ bình yên, mặt trời đang chiếu sáng, mọi người vẫn đang băng qua cầu... chúng tôi cũng sẽ cố gắng về nhà. Nhưng con phố của chúng tôi vẫn còn ngập nước".

Chỉ huy cứu hỏa quốc gia Mariusz Feltynowski cho biết hôm 17/9 trong các cuộc họp với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại thành phố Wroclaw rằng bờ kè Nysa đã được gia cố khi trực thăng quân sự tham gia chiến dịch thả bao cát.

Thiệt hại về người ở bốn nước

Thành phố Wroclaw lịch sử của Ba Lan, với 600.000 cư dân, đang chuẩn bị cho mực nước dâng cao dọc theo sông Odra (Oder). Sở thú của thành phố đã kêu gọi các tình nguyện viên giúp đóng bao cát để bảo vệ cơ sở này, mặc dù động vật được giữ an toàn khỏi vùng lũ lụt.

Chính quyền Ba Lan đã lấp đầy 75% một hồ chứa nước khổng lồ gần biên giới Séc, nhằm mục đích cắt giảm mực nước và ngăn chặn các đợt lũ trên sông Odra và Nysa chồng chéo lên nhau, vốn đã xảy ra trong trận lũ lớn năm 1997, ảnh hưởng tới Wroclaw.

Lũ lụt đã giết chết bảy người ở Romania, nơi nước đã rút kể từ cuối tuần, cộng với bốn người ở Ba Lan, bốn người ở Áo và ba người ở Cộng hòa Séc.

Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết hơn 13.000 người đã được sơ tán. Hàng chục nghìn hộ gia đình Séc và Ba Lan vẫn chưa có điện.

Tại thành phố Ostrava ở đông bắc Séc, một tường chống lũ bị vỡ trên sông Odra tại nơi hợp lưu với sông Opava đã gây ra lũ lụt hôm 16/9 tại khu công nghiệp của thành phố bao gồm nhà máy hóa chất BorsodChem, nhà máy luyện cốc OKK Koksovny và các nhà máy khác.

Tại Hungary, tại các thị trấn lịch sử Visegrad và Szentendre, ở phía bắc Budapest, chính quyền đã dựng các đập di động để chuẩn bị cho lũ lụt trên sông Danube.

Budapest đang chuẩn bị cho mực nước dâng cao gần mức kỷ lục và đã đóng cửa đảo Margaret, một khu giải trí có nhiều khách sạn và nhà hàng, nơi người dân đã chất hàng chục nghìn bao cát để bảo vệ.

Hungary cho biết sẽ triển khai nhiều quân lính nhất có thể để hỗ trợ nỗ lực phòng chống lũ lụt, với 1.400 quân hiện đang hỗ trợ trên thực địa.

Tại Slovakia, Bộ trưởng Môi trường Tomas Taraba cho biết sông Danube đã đạt đỉnh gần 10 mét trong đêm và mực nước hiện sẽ giảm dần. Ông cho biết thiệt hại do lũ lụt gây ra trên khắp Slovakia ước tính khoảng 20 triệu euro.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG