Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết, từ khoảng 1h đến 7h sáng 31/7, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum), xảy ra liên tiếp 7 trận động đất, ít ngày sau khi ghi nhận nhiều trận động đất khác tại cùng khu vực, theo báo chí trong nước.
Báo Tuổi Trẻ dẫn cơ quan này cho biết rằng các trận động đất này có cường độ mạnh từ 2,5 - 3,4 độ richter, độ sâu khoảng 8,1 - 8,2 km với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Tin cho hay, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Ông A Diêng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, nơi xảy ra hàng chục trận động đất thời gian qua cho VOA tiếng Việt biết rằng không có vấn đề gì lớn xảy ra và không có thiệt hại về tính mạng con người.
Ông cho biết thêm: “Cái việc trận động đất mấy lâu nay, đầu tiên thì hôm trước cũng [gây] hoang mang cho bà con nhưng mà nay quen rồi. Đặc biệt cái vụ hôm Chủ nhật vừa rồi nó nặng nhất nhưng mà dân cũng biết qua tập huấn cái vấn đề này nên bà con cũng yên tâm”.
Trên trang web của mình, Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ghi nhận trận động đất xảy ra ở huyện Kon Plông mạnh 5,1 độ richter ở độ sâu 4,5 km hôm Chủ nhật (28/7). Cơ quan liên bang của Mỹ này nói rằng ngoài Việt Nam, hai nước bị ảnh hưởng khác bởi trận động đất này là Campuchia và Lào.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết rằng “thông thường sau các trận động đất lớn sẽ có những trận động đất có cường độ nhỏ hơn kèm theo và quy luật này lặp lại khi Kon Tum có những trận động đất mạnh trên 4 độ”.
Ông được dẫn lời nói thêm rằng “dự báo thời gian tới động đất ở Kon Tum sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ”.
Khi được VOA tiếng Việt hỏi về việc ông đã được thông báo về nguyên nhân xảy ra các trận động đất ở Kon Plông hay chưa, ông nói: “[Tôi] cũng nghe thông tin vấn đề này cũng do địa chất thế nào đó. [Tôi] cũng không biết nguyên nhân thế nào”.
Các trận động đất liên tiếp ở huyện Kon Plông do dứt gãy địa chất, năng lượng trong lòng đất giải phóng sau nhiều năm tích nén, theo lời Phó Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Ánh Dương, được VnExpress trích dẫn.
Theo báo điện tử này, ông Dương nói rằng động đất xuất hiện ở Kon Plông năm 2021, khi thủy điện Thượng Kon Tum (công suất 220 MW, dung tích hồ hơn 145 triệu m3) được xây ở địa bàn bắt đầu tích nước.
Việc tích trữ nước khiến tải trọng hồ thủy điện nén các vết nứt (vị trí xung yếu) trong lòng đất dẫn đến đứt gãy, trượt giữa hai bề mặt. Quá trình trượt tạo ra ma sát, ứng suất giữa các vết nứt. Khi địa chất yếu (do nước ngấm) không giữ được năng lượng tích tụ bên dưới lòng đất, động đất sẽ xảy ra, theo VnExpress.
Tờ báo này dẫn lời ông Dương nói tiếp rằng “quá trình nén ép, tích lũy năng lượng kéo dài vài năm, thậm chí cả trăm năm, đến lúc năng lượng đủ lớn mới gây ra động đất", dẫn chứng động đất diễn ra thường xuyên tại khu vực Trà My (Quảng Nam) khi ở đây cũng xây dựng thủy điện sông Tranh năm 2012.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, tối 29/7, văn phòng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ra công điện, do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký, yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý Địa cầu “tiếp tục theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, và huy động các chuyên gia, nhà khoa học để làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực”.
Đồng thời, công điện cũng “yêu cầu các bộ kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, triển khai lực lượng, phương tiện để ứng phó, cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả của động đất”.
Diễn đàn