Tỉnh Kon Tum của Việt Nam trong hai ngày 28-29/7 đã ghi nhận 46 trận động đất tính đến tối 29/7, trong đó có trận mạnh 5.0 độ richter xảy ra tại huyện Kon Plông vào ngày Chủ nhật (28/7), được xem là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận trong khu vực này, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, thuộc Viện Vật lý Địa cầu, cho biết.
Động đất bắt đầu xảy ra vào 3 giờ 12 phút 14 giây ngày 28/7 và liên tục xảy ra sau đó gần như mỗi giờ tại huyện Kon Plông. Theo ghi nhận của Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần, đã có 21 trận động đất từ 2,5 - 5,0 độ richter xảy ra trong ngày 28/7, trong đó trận mạnh nhất xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút 10 giây, có độ lớn 5.0 tại vị trí có tọa độ 14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km và cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2, TTXVN đưa tin.
Trận động đất này đã gây rung lắc mạnh ở vùng tâm chấn và các khu vực lân cận, khiến một số công trình trường học, trụ sở y tế, công an... trên địa bàn huyện bị nứt vách tường.
Người dân ở hai tỉnh đông bắc Thái Lan là Ubon Ratchathani, Sakon Nakhon, và tỉnh Ratanakkiri của Campuchia cũng cảm nhận được rung chấn từ trận động đất tại Việt Nam, truyền thông Thái Lan và Campuchia cho hay.
Tính đến tối 29/7, Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần của Việt Nam đã ghi nhận đến 46 trận động đất ở huyện Kon Plông.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, được báo Tuổi Trẻ và Dân Trí dẫn lời nói nguyên nhân của hiện tượng “động đất kích thích” này là do các hồ chứa thủy điện gây ra.
Huyện Kon Plông hiện có 6 công trình thủy điện, trong đó có 3 công trình có hồ chứa là Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh và Đăk Re, theo Tuổi Trẻ.
Sau trận động đất 5,0 độ richter hôm 28/7, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết dự báo động đất tại Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhưng khó có khả năng lớn đến khoảng 5,5 độ richter.
Tối 29/7, văn phòng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ra công điện, do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký, yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, và huy động các chuyên gia, nhà khoa học để làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực. Đồng thời, công điện cũng yêu cầu các bộ kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, triển khai lực lượng, phương tiện để ứng phó, cứu hộ cứu hạn và khắc phục hậu quả của động đất.
Viện Vật lý địa cầu cho biết hiện họ đã lắp đặt 11 trạm quan trắc tại Kon Tum để thực hiện nghiên cứu và đánh giá mức độ hoạt động của động đất.
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ UBND huyện Kon Plông cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, huyện này đã ghi nhận ít nhất 190 trận động đất.
Diễn đàn