Đường dẫn truy cập

Tướng quân đội Philippines nói Manila từ chối sự giúp đỡ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông


Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines Romeo Brawner.
Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines Romeo Brawner.

Tư lệnh quân đội Philippines cho biết nước này đã từ chối lời đề nghị hỗ trợ các hoạt động ở Biển Đông từ phía Hoa Kỳ, sau khi xung đột bùng phát với Trung Quốc về nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines trên bãi cạn tranh chấp.

Căng thẳng trên tuyến đường thủy tranh chấp đã gia tăng trong năm qua, với việc một thủy thủ Philippines đã bị đứt mất một ngón tay trong vụ đụng độ mới nhất ngày 17/6 mà Manila mô tả là “cố ý đâm với tốc độ cao” của tàu hải cảnh Trung Quốc.

Hoa Kỳ, một đồng minh hiệp ước của Philippines, đã đề nghị hỗ trợ nhưng Manila muốn tự mình xử lý các hoạt động, theo Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Romeo Brawner cho Reuters biết vào cuối ngày 4/7.

“Vâng, tất nhiên, họ đã đề nghị giúp đỡ và hỏi chúng tôi rằng họ có thể giúp chúng tôi như thế nào”, ông nói.

“Chúng tôi cố gắng sử dụng hết tất cả các lựa chọn có thể có trước khi yêu cầu trợ giúp”.

Manila và Washington bị ràng buộc bởi Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) năm 1951, một hiệp ước quân sự có thể được viện dẫn trong trường hợp có các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông.

Các cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp nhất châu Á đã gia tăng tần suất trong năm qua khi Bắc Kinh thúc đẩy yêu sách chủ quyền đối với tuyến đường thủy này và Manila tiếp tục sứ mệnh cung cấp nhu yếu phẩm cho binh lính sống trên một tàu chiến cũ kỹ, rỉ sét mà nước này neo đậu trên một bãi cạn tranh chấp.

Một số nhà quan sát, trong đó có cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matt Pottinger, đã kêu gọi sự hỗ trợ trực tiếp của hải quân Mỹ cho các nhiệm vụ tiếp tế.

Nhưng Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano cho biết Philippines muốn đây là một “hoạt động thuần túy của Philippines”.

“Đây là lợi ích quốc gia hợp pháp của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không thấy có lý do gì để họ (Mỹ) tham gia,” ông Ano nói với Reuters.

Ông Ano, người đã nói chuyện với người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan vào tháng trước để thảo luận về những lo ngại chung về “các hành động nguy hiểm và leo thang” của Trung Quốc”, nói rằng MDT “còn lâu mới được áp dụng”.

“Chúng tôi (Philippines và Trung Quốc) đồng ý sẽ giảm bớt căng thẳng, nhưng chúng tôi sẽ khẳng định quyền của mình, chúng tôi sẽ không thỏa hiệp lợi ích quốc gia và chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và tuyên bố những gì là của mình”, ông Ano nói.

Cả hai quan chức đều không nêu cụ thể về sự hỗ trợ mà Hoa Kỳ đã đưa ra.

Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, nói với Reuters rằng ông tin là Mỹ sẵn sàng đưa các tàu hải quân hộ tống thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho con tàu bị mắc kẹt của Philippines. Ông cho biết Washington đã cung cấp một số hỗ trợ hạn chế.

Một quan chức Philippines cho biết năm ngoái Manila đã tham khảo ý kiến của Công binh Lục quân Hoa Kỳ về cách tốt nhất để ổn định con tàu chiến cũ kỹ BRP Sierra Madre, vốn đang neo đậu trên Bãi Cỏ Mây có tranh chấp, trong khi máy bay Mỹ đã nhiều lần quay phim để giám sát con tàu.

Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh về Biển Đông thông qua đường chín đoạn không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, nhưng điều đó không ngăn được Trung Quốc, quốc gia bác bỏ phán quyết, trở nên quyết đoán hơn trên tuyến đường thủy.

Nước này đã triển khai các tàu hải cảnh để tuần tra những khu vực đó, gây lo lắng cho Philippines, các bên tranh chấp ở Đông Nam Á và các quốc gia khác đang hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả Mỹ, vốn đang cảnh giác trước sức mạnh quân sự và tham vọng lãnh thổ ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tư lệnh quân đội Brawner cho biết đề nghị hỗ trợ của Hoa Kỳ, được đưa ra trong các cuộc thảo luận ở cấp độ của ông, không phải là phản ứng trực tiếp đối với sự cố ngày 17/6 mà là sự phản ánh của liên minh quân sự lâu dài giữa hai nước.

“Thực sự là vì chúng tôi là đồng minh trong hiệp ước nên lời đề nghị đó đã có sẵn cho chúng tôi từ lâu chứ không chỉ vì vụ việc này”, ông Brawner nói.

“Nhưng chúng tôi vẫn chưa nhờ đến họ vì theo lệnh của tổng thống, chúng tôi phải dựa vào chính mình trước tiên.”

Lầu Năm Góc không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters hôm 4/7, vốn là ngày lễ Độc lập ở Mỹ.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường vận chuyển chính với khoảng 3 nghìn tỷ USD thương mại đi qua vùng này hàng năm, thì Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền một phần.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG