Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang giải tỏa căng thẳng ở Biển Đông, tư lệnh quân đội của ông nói hôm thứ Năm, sau một vụ đối đầu với Trung Quốc liên quan tới các nhiệm vụ tiếp tế cho binh sĩ Philippines trên một bãi cạn có tranh chấp.
Chỉ thị của ông Marcos được đưa ra sau khi Manila và Bắc Kinh nhất trí cần phải khôi phục niềm tin để quản lý tốt hơn các tranh chấp trên biển trong một vòng đàm phán mà Manila chủ trì hôm thứ Ba.
Nhưng điều đó không ngăn quân đội Philippines kêu gọi Trung Quốc trả lại vũ khí mà lực lượng hải cảnh của họ đã thu giữ từ quân nhân hải quân Philippines và bồi thường khoảng 1 triệu đôla vì làm hư hại các tàu tham gia nhiệm vụ tiếp tế tới Bãi cạn Second Thomas vào tháng trước.
“Tôi yêu cầu trả lại bảy khẩu súng,” Tướng Romeo Brawner nói với các phóng viên sau cuộc họp chỉ huy với ông Marcos. “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc bồi thường 60 triệu peso cho những thiệt hại mà họ đã gây ra trong vụ việc đó.”
Philippines cáo buộc Hải cảnh Trung Quốc cố tình tông và làm thủng tàu hải quân và thu giữ vũ khí để làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế vào ngày 17 tháng 6, khiến một thủy thủ Philippines bị thương nặng, mất một ngón tay. Philippines duy trì một tàu chiến rỉ sét do một toán nhỏ binh sĩ trấn giữ mà họ đã cho mắc cạn ở Bãi cạn Second Thomas vào năm 1999 để củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình.
Ông Brawner cho biết quân đội đang xem xét khả năng bắt đền Trung Quốc về chi phí tái tạo ngón tay của thủy thủ bị thương.
Trung Quốc, nước tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình, đã khẳng định rằng các hành động của họ trên vùng biển này, tuyến đường thương mại trọng yếu giữa Châu Á, Châu Âu và Trung Đông, là hợp pháp và chuyên nghiệp.
“Philippines phải chịu hậu quả từ hành vi xâm phạm của mình,” người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo.
Bà nói phía Philippines “là bên đầu tiên khiêu khích bằng việc vận chuyển hàng hóa trái phép.”
Bắc Kinh bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại The Hague kết luận rằng các yêu sách hàng hải rộng lớn của họ không có cơ sở pháp lý.
Quân đội Philippines đã trình bày với tổng thống một số lựa chọn về hoạt động của mình ở Biển Đông, nhưng chúng sẽ không dẫn đến những thay đổi đáng kể về cách thức thực hiện các hoạt động tiếp tế, ông Brawner nói mà không cho biết thêm chi tiết.
“Mục tiêu cuối cùng vẫn là có thể đưa đồ tiếp tế đến cho binh sĩ của chúng ta… để có thể thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không mà không nhất thiết phải làm leo thang tình hình mà chúng ta đang đối mặt,” ông Brawner nói.
Manila đã tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế rộng rãi hơn cho các tuyên bố chủ quyền của mình, và tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước để ủng hộ một trật tự dựa trên luật lệ mà công nhận luật pháp quốc tế.
Diễn đàn