Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc, gọi eo biển Đài Loan là ‘tuyến đường thủy quốc tế’


Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Burke USS Sampson của Hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 25/1/2022.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Burke USS Sampson của Hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 25/1/2022.

Hoa Kỳ hôm 14/6 ủng hộ việc Đài Loan khẳng định rằng eo biển ngăn cách hòn đảo này với Trung Quốc là một tuyến đường thủy quốc tế, thêm một sự phản bác nữa đối với yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với tuyến đường thuỷ chiến lược.

Eo biển Đài Loan là một vấn đề căng thẳng quân sự thường xuyên kể từ khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bại trận chạy sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi thua trong cuộc nội chiến với phe cộng sản, những người đã thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trong những năm gần đây, tàu chiến của Hoa Kỳ và đôi khi là của các quốc gia đồng minh như Anh và Canada, đã đi qua eo biển, khiến Bắc Kinh tức giận.

Hôm 13/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này “có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan” và gọi đây là “tuyên bố sai lầm khi một số quốc gia gọi eo biển Đài Loan là ‘vùng biển quốc tế’”.

Bình luận vào ngày 14/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói trong một email với Reuters: “Eo biển Đài Loan là một tuyến đường thủy quốc tế, có nghĩa là eo biển Đài Loan là một khu vực mà các quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, được đảm bảo theo quy định của luật pháp quốc tế”.

Thế giới có “mối quan tâm thường xuyên đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, và chúng tôi coi đây là trọng tâm đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn”, ông Price nói thêm.

Ông nhắc lại quan ngại của Hoa Kỳ về “những lời lẽ hung hăng và hoạt động cưỡng ép của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan” và cho biết Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục bay, di chuyển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả việc đi qua eo biển Đài Loan”.

Trước đó vào ngày 14/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou đã gọi lập trường của Trung Quốc là một sự “nguỵ biện”.

Hôm 15/6, Thủ tướng Đài Loan Su Tseng-chang nói rằng eo biển này “không phải là biển nội địa của Trung Quốc”.

Ông nói với các phóng viên: “Tham vọng nuốt chửng Đài Loan của Trung Quốc chưa bao giờ dừng lại hay che giấu; eo biển Đài Loan là khu vực hàng hải tự do hàng hải quốc tế”.

Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cho biết chính quyền ở Đài Bắc đang “hợp tác với các lực lượng bên ngoài để lên tiếng về vấn đề này”.

Chuyện này “gây tổn hại đến lợi ích của người dân ở hai bên eo biển Đài Loan và phản bội lợi ích của quốc gia Trung Quốc - thật đáng khinh”, phát ngôn viên văn phòng tại Bắc Kinh, Ma Xiaoguang, nói.

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình và coi hòn đảo này là một phần của lãnh thổ Trung Quốc.

Đài Loan nói Trung Quốc không có quyền lên tiếng hay có chủ quyền trên hòn đảo, mà chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của chính họ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ kiểm soát bất kỳ phần nào của hòn đảo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG