Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tuyên bố Úc sẽ tiếp tục thực hiện quyền đi qua Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Úc có lợi ích kinh tế trong khu vực và đã thúc đẩy tự do thương mại và hàng hải.
Canberra đã tiến hành các hoạt động giám sát đường không ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, gọi là chiến dịch Gateway được thực hiện từ năm 1980.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles ngày 12/6 đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Singapore. Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây vì nhiều tranh chấp chính trị và thương mại, bao gồm cả tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cuộc đối thoại ngày 12/6 tại hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực ở Singapore là cuộc gặp song phương cấp cao đầu tiên trong hơn hai năm.
Ông Marles nói ông đã lên kế hoạch xây dựng lại mối quan hệ “từng bước một” và khẳng định rằng Úc sẽ tiếp tục bay qua Biển Đông bất chấp một máy bay phản lực của Trung Quốc đã nghênh cản và làm hỏng một máy bay của lực lượng không quân Australia hồi tháng Năm.
Ông Tom Corben là một cộng sự nghiên cứu trong chính sách đối ngoại và chương trình quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney.
Ông nói Canberra cương quyết lập trường trước sự hiếu chiến của Trung Quốc.
“Vụ việc có ý nghĩa quan trọng vì đây là ví dụ mới nhất - và có lẽ là trơ trẽn nhất - trong một loạt các vụ đụng chạm gần giữa các lực lượng quân sự của Úc và Trung Quốc trên khắp khu vực trong 18 tháng qua. Những xích mích như thế này nhấn mạnh bước trở mặt uy hiếp trong thái độ của Trung Quốc tại khu vực, nhưng cũng cho thấy thực tế rằng Đài Loan không phải là điểm nóng quân sự duy nhất trong khu vực. Trên thực tế, Úc và các quốc gia khác lo lắng về những rủi ro đáng kể mà sự liều lĩnh như vậy của Trung Quốc có thể leo thang từ một trường hợp đối đầu thành xung đột,” ông Corben nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Marles đã bay đến Nhật Bản để gặp người đồng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, nhằm củng cố điều mà các quan chức Úc mô tả là “mối quan hệ của tình cảm”.
Úc kêu gọi thắt chặt quan hệ quân sự giữa Canberra và Tokyo.