Thanh niên VN tranh luận về quan hệ Việt-Mỹ (phần 2)

  • VOA
Với chủ đề “Quan hệ Việt-Mỹ trong mắt giới trẻ Việt Nam” trong buổi hội ngộ tuần trước, hai người bạn trẻ từ hai miền Nam-Bắc đất nước, cùng với 1 du học sinh tại Pháp, và một thanh niên định cư ở Mỹ đã tranh luận sôi nổi về tầm quan trọng của mối bang giao Việt-Mỹ và những điểm bất đồng hiện nay giữa hai nước, đặc biệt về lĩnh vực nhân quyền của Việt Nam. Làm thế nào khắc phục những bất đồng đó để phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương? Giới trẻ Việt Nam có nguyện vọng ra sao và họ có thể làm gì hầu góp phần thăng tiến bang giao hai nước? Đó cũng là nội dung phần trao đổi tiếp theo giữa các bạn Vi Na ở Thái Bình, Bá Duy từ Bạc Liêu, Vĩnh Phong tại Hoa Kỳ, và Nam Long đang học tập ở Pháp mà Trà Mi mang đến cho quý vị và các bạn trên Tạp chí Thanh Niên hôm nay.

Nam Long (Pháp): Theo mình, Hà Nội chơi với Washington nhắm tới cái lợi và cố gắng giảm thiểu tối đa về vấn đề dân chủ. Họ cố kìm chế vấn đề dân chủ ra bên lề càng nhiều càng tốt để không ảnh hưởng tới thể chế của họ. Tuy nhiên, Mỹ là nước có truyền thống chống lại chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, không lý do gì mà Mỹ bắt tay hòa hảo thân thiết với một nước độc sản và độc tài được. Cho nên, Mỹ vừa bắt tay, vừa tìm cách chuyển biến các nước độc tài thành dân chủ. Trong khi đó, Hà Nội một mặt bắt tay với Mỹ, một mặt rất dè chừng “kẻ thù đang tìm cách làm diễn biến hòa bình”.


Bá Duy (Bạc Liêu): Ngay cả Mỹ cũng chơi trò hai mặt trong vấn đề nhân quyền đối với các nước khác. Ví dụ, ở Mỹ, chỉ cần anh là nghi can khủng bố, người ta bắt giam anh hằng mấy năm trời, không đưa ra xét xử, như vụ tù nhân Guatanamo đó. Đây có phải là dân chủ, nhân quyền hay không?

Trà Mi: Phong ở Mỹ, mời Phong.

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Chính vấn đề đó đã gây ra nhiều tranh cãi. Rất nhiều tổ chức và cá nhân ở Hoa Kỳ phản đối việc đó. Cho nên mới có sự thay đổi từ chính sách của Tổng thống George W. Bush qua chính sách của Tổng thống Obama. Ông Obama theo chính sách phải đóng cửa nhà tù Guantanamo. Như vậy, trong hệ thống chính trị đa đảng, khi có điểm sai, thì người dân có phương tiện để thay đổi điểm sai đó thành điểm đúng. Quay lại Việt Nam, nếu ở Việt Nam có trường hợp sai như vậy, ví dụ như sự bắt giam những vị lãnh đạo tôn giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất chẳng hạn, hoặc các nhà đấu tranh dân chủ như Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên…Nếu những sự bắt giam đó là sai thì người dân Việt Nam có những biện pháp hoặc khả năng nào để thay đổi không? Chúng ta có thể thay đổi chính sách của chính phủ khi có những điểm sai hay không. Thật sự trong bất cứ xã hội nào, cho dù tiến bộ cỡ nào, dân chủ cỡ nào, cũng có những lỗi lầm riêng, nhưng người dân phải có cách thay đổi. Cũng cần nhớ là Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất đặt các vấn đề dân chủ, tự do, nhân quyền đối với Việt Nam. Rất nhiều quốc gia trên thế giới như khối Châu Âu, Australia…đều đặt những vấn đề đó. Cho nên, nếu chỉ có mình Mỹ nói thì có thể thiêng vị một bên, nhưng khi nhiều nước cùng nói thì chúng ta nên quan tâm đến vấn đề một chút.

Trà Mi: Chúng ta đang bàn đến những điểm chưa đạt được tiếng nói chung, tầm nhìn chung giữa hai nước Việt-Mỹ. Theo các bạn, làm sao có thể khắc phục được những bất đồng đó. Mỗi bên cần phải làm gì để cải thiện và phát triển hơn nữa quan hệ song phương?

Vi Na (Thái Bình): Dĩ nhiên hai bên cần ngồi lại và hiểu nhau vì nền văn hóa Việt Nam khác hoàn toàn với nền văn hóa của Mỹ. Mục tiêu của nhà nước Việt Nam là một xã hội cộng sản, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, đốt cháy giai đoạn để đi lên chủ nghĩa xã hội. Lực lượng lãnh đạo duy nhất ở Việt Nam là đảng Cộng sản. Trong khi đó, các lãnh đạo phải dựa theo học thuyết của Mác-Lê và tư tưởng của Hồ Chí Minh thì dĩ nhiên là có quan điểm khác so với xã hội của nước Mỹ. Chơi với người khổng lồ Mỹ, vấn đề là Việt Nam biết nhường nhịn nước Mỹ như thế nào, hiểu Mỹ như thế nào.

Trà Mi: Ý của Vi Na là cần có sự đối thoại và tìm hiểu hơn nữa giữa hai bên. Ý kiến của các bạn khác ra sao?

Bá Duy (Bạc Liêu): Theo tôi, các bên cần tìm hiểu kỹ về nhau trước khi đưa ra một nhận xét, đánh giá gì đó. Ví dụ như trong vụ xét xử ông Nguyễn Văn Lý, hầu hết đều trưng hình ảnh là ông Lý bị công an Việt Nam bịt miệng, nhưng không ai trưng hình ảnh ông ta vung chân, quơ tay, đá đạp cả vành móng ngựa, hò hét trước tòa.
Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Phong đồng ý là trong bất kỳ trường hợp nào chúng ta cũng phải tìm hiểu rõ ràng trước khi đi tới kết luận. Trong mối quan hệ Việt-Mỹ, Phong nghĩ rằng sự đối thoại giữa chính phủ với chính phủ thôi vẫn chưa đủ. Chúng ta, người dân, cần phải có sự đối thoại, cần phải có tiếng nói, chứ không chỉ một vài vị lãnh đạo trong hàng ngũ đảng Cộng sản thôi. Tình hình ở Việt Nam, như Vi Na vừa cho ý kiến, Phong đồng ý đó là thực tế. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là điều đó có thích hợp với Việt Nam hay không bây giờ và trong tương lai? Nó có giúp Việt Nam đạt được tầm mức mà người dân Việt Nam có thể đạt được hay không? Về vấn đề của linh mục Lý, chúng ta cần phải hỏi xem việc cha Lý bị bắt có hợp lý hay không? Nên nếu muốn nhìn rõ vấn đề thì phải nhìn xuyên suốt từ đầu tới đuôi.

Trà Mi: Ý kiến của hai bạn trong nước, Duy và Vi Na, có nói rằng để xóa bỏ bất đồng, đạt được điểm chung hầu phát triển quan hệ Việt-Mỹ, Mỹ cần tìm hiểu kỹ tình hình ở Việt Nam trước khi đưa ra nhận xét, đồng thời Mỹ cần lắng nghe, đối thoại để có sự thông cảm đôi bên. Ngược lại, theo các bạn, Việt Nam cần phải làm gì để hướng tới mục tiêu đó?

Vi Na (Thái Bình): Việt Nam bây giờ cũng đang lắng nghe Mỹ trong vấn đề sửa đổi điều luật đấy ạ. Việt Nam cũng muốn xã hội tiến bộ, dân chủ, nhưng tình hình xã hội Việt Nam bây giờ mà thả ra thì như Thái Lan hiện nay, rất là khó. Cho nên, Việt Nam cũng muốn sửa dần, làm dần, tức là đổi mới nhưng phải khắc phục dần dần, không thể làm một mạch như cơ quan lập pháp của nước Mỹ. Tòa án của Mỹ là tòa án bảo vệ tiếng nói của người dân. Việt Nam rất muốn học hỏi nước Mỹ về điều đấy.

Trà Mi: Các bạn khác có ý kiến nào khác không? Việt Nam cần phải làm gì hơn nữa để cải thiện quan hệ Việt-Mỹ?

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Điều căn bản là phải cho người dân Việt Nam được quyền tự do thông tin, quyền tự do lập báo chí tư nhân, độc lập. Người dân Việt Nam phải có quyền tự do báo chí và thông tin như Hiến pháp quy định, không phải được sự chấp thuận của đảng và nhà nước mới được nói lên một ý kiến hay quan điểm của họ về xã hội Việt Nam. Nếu Việt Nam có được hệ thống thông tin độc lập, nó giúp cho người dân hiểu rõ thực trạng xã hội trung thực hơn. Từ đó, người dân sẽ đi đến kết luận riêng của họ.

Nam Long (Pháp): Ngoài các vấn đề như nhân quyền hay tự do ngôn luận, Việt Nam muốn quan hệ tốt với Mỹ về kinh tế thì cần phải cải tổ luật pháp, giảm thiểu tham nhũng mới có thể làm ăn được với Mỹ và các nước phương Tây.

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Việt Nam cũng cần phải cải thiện tự do internet. Thời gian gần đây, những mạng như Facebook hay các trang mạng mà chính phủ Việt Nam không thích đều bị cấm ở Việt Nam. Tuy nhiên, internet là phương thức phát triển trong thiên niên kỷ mới này, cho nên cần phải cải thiện và cởi mở hơn.

Trà Mi: Nói đến quan hệ Việt-Mỹ, thế hệ trẻ Việt Nam có những mong mỏi, nguyện vọng như thế nào và làm gì để góp phần thăng tiến mối quan hệ song phương này?

Vi Na (Thái Bình): Quan hệ Việt-Mỹ sau 15 năm, như đại sứ Mỹ tại Hà Nội đã nói, là sự khởi đầu của quan hệ hai quốc gia. Đây là mối quan hệ tốt đẹp vì nhân dân và lãnh đạo hai nước, những người tiến bộ, đã mong muốn rất lâu rồi. Bây giờ mình mong những người tiến bộ trong chính phủ hai nước, mọi hoạt động của họ đều vì lợi ích chung của hai dân tộc. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ, Canada nên có cái nhìn tiến bộ hơn về Việt Nam, không nên nhìn cực đoan quá. Mình rát buồn khi thấy năm 2006, rất nhiều người Việt hải ngoại biểu tình không cho Việt Nam gia nhập WTO. Không hiểu họ như thế nào, cũng là người Việt Nam, nhưng lòng hận thù và ganh tị đã đẩy họ đến mức như thế. Đó là hệ lụy do chiến tranh để lại. Cho nên, bây giờ trong nước cũng rất muốn hòa giải dân tộc, mong rằng tất cả người Việt Nam chúng ta cùng góp sức để xây dựng đất nước.

Trà Mi: Bạn nhắc tới vai trò của kiều bào ở nước ngoài, theo bạn, điều này có liên hệ và ảnh hưởng ra sao đối với mối quan hệ Việt-Mỹ?

Vi Na (Thái Bình): Khoảng cách giữa Việt Nam và Mỹ vẫn là vấn đề tự do, dân chủ, tự do tôn giáo, tự do báo chí… mà những người chống cộng cay đắng luôn tác động lên các chính khách, quốc hội, và chính phủ Mỹ để tạo khoảng cách với Việt Nam.

Trà Mi: Với nguyện vọng rằng mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng thăng tiến tốt đẹp hơn, người trẻ Việt Nam, các bạn có thể đóng góp những gì để thúc đẩy tiến trình đó?

Vi Na (Thái Bình): Các bạn trẻ trong nước cố gắng hiểu hơn, học hỏi về nền giáo dục, khoa học kỹ thuật, và đặc biệt là nền kinh tế của nước Mỹ.

Vĩnh Phong (Hoa Kỳ): Điều quan trọng chúng ta không nên nhìn các quyền như tự do ngôn luận, tín ngưỡng, hay các quyền căn bản của con người là những cái gì tạo khó khăn cho xã hội chúng ta. Chúng ta nên tìm hiểu những vấn đề đó vì đó là những điều đã giúp cho xã hội Hoa Kỳ phát triển tới mức độ hiện nay. Về kiều bào, thật sự bất cứ người Việt nào ở hải ngoại, không ai không lưu luyến, thương nhớ, và quan tâm đến quê hương đất nước mình và muốn giúp cho Việt Nam phát triển. Bằng chứng là lượng kiều hối mà kiều bào gửi về Việt Nam mỗi năm lên tới hàng tỷ. Khi người Việt ở hải ngoại nói lên sự bất đồng chính kiến với chính sách nào ở Việt Nam, họ không nhắm vào người dân hay đất nước Việt Nam, mà họ nhắm vào chế độ mà họ cảm thấy là độc tài, đảng trị ở Việt Nam có những chính sách không tốt cho đất nước. Chúng ta phải nỗ lực trao đổi ý kiến giữa hai bên. Nếu những người trẻ ở hải ngoại và ở trong nước có được sự đối thoại đó thì sẽ tốt cho đất nước của mình hơn. Người trẻ Việt Nam hiện nay nên tham gia vào bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội, kể cả chính trị, hay tham gia vào quốc hội, không nhất thiết phải là đảng viên. Nếu có được những tiến bộ đó, người trẻ Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều cho đất nước Việt Nam.

Trà Mi: Xin được lắng nghe ý kiến của người bạn đang du học ở Pháp?

Nam Long (Pháp): Mình mong muốn quan hệ Việt-Mỹ ngày càng phát triển theo hướng tích cực và mong muốn Mỹ tiếp tục giúp Việt Nam cải cách nền dân chủ và luật pháp. Mình không thể tưởng tượng nổi nếu không có sự can thiệp của chính phủ Mỹ thì số phận của những nhà bất đồng chính kiến, những người dám đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam giờ sẽ ra sao. Cũng nhờ những áp lực song hành với những lợi ích kinh tế mà Việt Nam sẽ có những tiến bộ về dân chủ. Mình mong rằng điều này sẽ tiếp tục được cải thiện.

Trà Mi: Vừa rồi là ý kiến của 4 thính giả trẻ trong và ngoài nước đóng góp trong đề tài thảo luận về mối bang giao Việt-Mỹ nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ song phương. Trà Mi cũng rất mong được quý thính giả trao đổi quan điểm trong tiết mục Tạp chí Thanh Niên, ở phần “Ý kiến” ngay bên dưới mỗi bài viết, trên trang web www.voatiengviet.com.

Mời các bạn thường xuyên ghé thăm và góp ý với chương trình nhé. Đến đây, Tạp Chí Thanh Niên và Trà Mi xin nói lời chia tay và sẽ tái ngộ cùng quý vị trong một chủ đề mới, tối thứ ba tuần sau.