Đường dẫn truy cập

Tình hình nạn nhân da cam tại Việt Nam


Tháng 7 năm nay đánh dấu mốc thời gian lịch sử bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Mười lăm năm bắt tay giữa hai quốc gia cựu thù được đánh giá đã đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng và tích cực. Thế nhưng, một trong những đề tài vẫn còn gây tranh cãi và luôn được nhắc tới trong mối bang giao giữa hai nước là vấn đề chất da cam và nạn nhân dioxin tại Việt Nam, dù cuộc chiến chấm dứt đã 35 năm qua. Hoa Kỳ cho rằng không đủ bằng chứng khoa học về sự liên quan giữa các căn bệnh tại Việt Nam với hóa chất làm rụng lá mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam để đối phó trước việc quân đội Bắc Việt biến rừng rậm làm nơi ẩn nấp an toàn. Ngược lại, Việt Nam ước tính có khoảng 400 ngàn ca tử vong vì các chứng bệnh do phơi nhiễm dioxin, và chừng 500 ngàn trẻ em bị dị tật bẩm sinh vì tiếp xúc với hóa chất da cam ngấm vào đất và nước. Thống kê của Việt Nam cho thấy khoảng 10% diện tích cả nước bị rải chất da cam. Một trong số các khu vực có tỷ lệ người bị nhiễm chất da cam cao nhất nước là Đà Nẵng, nơi quân đội Mỹ từng đặt một căn cứ không quân lớn, với hơn 5000 nạn nhân da cam, trong đó có 1400 trẻ em. Để tìm hiểu về tình hình của nạn nhân da cam tại Việt Nam hiện nay, Trà Mi đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất da cam/dioxin Thành phố Đà Nẵng, người đã có chục năm công tác trong lĩnh vực xã hội chuyên giúp đỡ các nạn nhân chất da cam.

Chị Nguyễn Thị Hiền: Hiện nay nạn nhân da cam từng tham gia trong kháng chiến được nhà nước hỗ trợ cho con đẻ của nạn nhân và chính nạn nhân, gọi là những nạn nhân trực tiếp. Còn những đối tượng xã hội khác và người dân thường được các tổ chức cá nhân và các tổ chức xã hội vận động ủng hộ, chẳng hạn như Hội Da Cam hay các hội từ thiện khác kêu gọi cho các nạn nhân da cam. Nhưng vẫn còn khó khăn rất lớn vì số nạn nhân da cam rất đông.

Trà Mi: Chị nói có hai đối tượng. Những người có công với cách mạng thì được nhà nước hỗ trợ. Sự hỗ trợ này như thế nào, họ được chăm sóc ra sao, được tạo điều kiện công ăn-việc làm-học tập như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Nói chung những ai nằm liệt tại chỗ không sinh hoạt được thì hỗ trợ kinh phí mỗi tháng từ 5-6 trăm ngàn đồng, tùy theo mức độ, và hỗ trợ công ăn việc làm. Còn các đối tượng xã hội thì được những tổ chức như Hội của chúng tôi chăm sóc họ. Chúng tôi lập những trung tâm nuôi dưỡng, đào tạo nghề cho các em.

Trà Mi: Số lượng nạn nhân da cam mà các Hội đang phục vụ có nhiều không?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Hoạt động cũng khiêm tốn thôi chị, như Hội của tôi chỉ chăm sóc được 100 em. Bây giờ cũng đang hình thành các trung tâm và đang kêu gọi các tổ chức ủng hộ vì tập trung các em lại để chăm sóc thì có hiệu quả nhưng nguồn kinh phí rất lớn. Cho nên cũng rất khó khăn.

Trà Mi: Độ tuổi của các em đang được nuôi dưỡng trong Hội của chị như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Dạ đủ thành phần hết, từ các trẻ 0 tuổi, 3 hoặc 5 tuổi cho đến trên dưới 30 tuổi. Vì các em trên 30 tuổi vẫn như đứa trẻ thơ, các em bị thần kinh là chủ yếu. Em nào có khả năng học tập thì cho học nghề. Còn em nào bị thần kinh nặng quá thì cho vui chơi, sinh hoạt để giảm stress.

Trà Mi: Trung tâm hiện có bao nhiêu cộng tác viên, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Hiền: 20 nhân viên tại 2 cơ sở, chăm sóc cho 100 em.

Trà Mi: Thế nguồn kinh phí để hoạt động thì sao ạ?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Chúng tôi vận động sự ủng hộ của trong và ngoài nước, tổ chức những buổi giao lưu, truyền hình trực tiếp để kêu gọi lòng hảo tâm. Có những dự án như của Hội Cựu chiến binh, Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, hay Quỹ UNICEF. Họ đang hỗ trợ chúng tôi xây dựng cơ sở 3 ở Hoài Nhơn, nơi có đông nạn nhân chất da cam.

Trà Mi: Nhìn chung, các chính sách xã hội dành cho nạn nhân da cam có gì đáng chú ý, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Nhà nước rất quan tâm, các tổ chức, các cá nhân cũng ủng hộ nhưng số lượng quá đông. Hơn nữa, bây giờ khó khăn khăn nhất là có những gia đình có 2-3 em bị ảnh hưởng chất da cam mà ba mẹ em chết rồi, hoặc già yếu rồi, các em không có người nương tựa. Đó là điều trăn trở nhất của Hiền đó chị.

Trà Mi: Cuộc sống và sự hòa nhập của nạn nhân da cam đối với cộng đồng và xã hội như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Hiện nay do sự tuyên truyền của nhà nước nên nạn nhân da cam cũng thân thiện, gần gũi với xã hội hơn và gia đình họ cũng hiểu hơn. Ví dụ như sau khi được tuyên truyền, các gia đình nạn nhân da cam có 2 con bị dị tật thì họ không sinh nữa. Những nơi không có các trung tâm hỗ trợ thì họ sống rải rác ở gia đình. Tại trung tâm, sáng họ đến học, tối họ về. Các em làm được các nghề thì các em vui lắm. Từ bị thần kinh mà bây giờ các em biết may, thêu, thì các em vui vẻ và giảm stress đi rất nhiều.

Trà Mi: Còn những người không vào được các trung tâm đó, chủ yếu họ sinh sống như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Ví dụ như mình vận động hỗ trợ kinh tế cho họ, rồi hỗ trợ xây nhà, nhưng quá đông cho nên còn khó khăn.

Trà Mi: “Nạn nhân chất da cam” là cách gọi để phân biệt những người khuyết tật vì chất da cam với những người khuyết tật vì các yếu tố khác. Đó là về cách gọi. Còn trên thực tế, làm thế nào để phân biệt người nào bị khuyết tật vì chất da cam, và người nào bị dị tật vì những lý do khác?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Chúng tôi đi khảo sát, xuống từng gia đình. Nếu họ bị tai nạn hoặc bố mẹ họ trước đây không sống trong vùng bị rải chất da cam thì chúng tôi phân biệt được. Còn những em mà bố mẹ sống trong các vùng bị rải chất da cam, con các anh đi lính phe Cộng hòa trước đây cũng ở trong các vùng bị rải chất da cam, con các cựu chiến binh, hoặc thường dân sống trong các vùng ô nhiễm đó là nạn nhân da cam. Qua khảo sát, mình sẽ biết đối tượng nào, và cái bệnh của các em cũng na ná giống nhau.

Trà Mi: Cơ sở chị vừa nhắc tới chủ yếu là yếu tố địa lý, nhưng ngoài yếu tố địa lý đó, còn cơ sở khoa học nào khác nữa để thuyết phục hơn? Vì không phải bất kỳ ai bị tật nguyền là do da cam, và cũng không phải bất kỳ ai sinh ra trong vùng đất bị ô nhiễm chất da cam đều bị tật nguyền, phải không chị?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Dạ dạ đúng. Nói về cơ sở khoa học cái đó thuộc về vấn đề y tế. Những người chuyên môn họ rành hơn, còn mình không phải chuyên môn.

Trà Mi: Tại sao Việt Nam không xác định nạn nhân da cam bằng cơ sở y tế mà chỉ dựa vào yếu tố địa lý, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Vì nếu làm điều đó, nguồn kinh phí rất lớn. Mình không có tiền xét nghiệm đâu chị ơi, nhiều tiền lắm.

Trà Mi: Nguồn kinh phí để xác nghiệm y khoa cao Việt Nam cũng có thể kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế, phải không chị?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Kêu gọi quốc tế hỗ trợ việc xét nghiệm đó rất khó. Mình chỉ hỗ trợ thiết thực đời sống cho nạn nhân da cam thôi.

Trà Mi: Thế nhưng mình có hướng tới việc đó không?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Mình muốn lắm nhưng mình xin cái đó rất khó.

Trà Mi: Vì đây cũng là vấn đề gây tranh cãi, và cũng là nguyên nhân các vụ kiện dioxin. Việt Nam thì nói đây là những nạn nhân da cam, nhưng phía Mỹ đòi phải chứng minh cho họ rằng đó là những nạn nhân da cam thật sự.

Chị Nguyễn Thị Hiền: Mình có một số đã chứng minh, như các đối tượng đã qua Mỹ kiện về dioxin. Chứ còn xét nghiệm hết toàn bộ thì tiền đâu mà mình làm. Tiền xét nghiệm đó để chăm sóc cho các em vì chúng rất đông, rất đau thương. Vừa qua tôi đi Mỹ thấy có nhiều người con của các Việt kiều trước kia đi lính cho miền Nam Cộng hòa bị chất da cam, khi qua Mỹ cũng không được hưởng chế độ. Tôi rất thương. Hoặc giả con của các cựu chiến binh Mỹ cũng đâu được hưởng chế độ đâu?

Trà Mi: Theo chị, có giải pháp nào cho vấn đề này không, nghĩa là làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân da cam một cách công bằng và hiệu quả nhất?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Chúng tôi đã nói, đã tuyên truyền, và đưa những bằng chứng. Câu hỏi của chị đã trả lời giúp cho chúng tôi. Chị ở bên Mỹ, chị hãy tuyên truyền và nói với chính phủ Mỹ một cách khách quan để họ hiểu hơn, để vụ kiện của chúng tôi trở thành công lý. Chúng tôi không chỉ kiện cho các nạn nhân da cam tại Việt Nam thôi, mà còn cho cả con cái của các cựu chiến binh Mỹ và con của những người lính Cộng hòa trước kia nay là Việt kiều sinh sống tại Mỹ cũng không được hưởng chế độ về chất da cam. Tôi muốn các bạn nên đến Việt Nam chúng tôi để nhìn thấy người thật, việc thật thì các bạn mới hiểu nỗi đau của những nạn nhân chất da cam tại Việt Nam chúng tôi.

Trà Mi: Dĩ nhiên trách nhiệm đối với nạn nhân chất da cam tại Việt Nam là thuộc về bên đã gây ra, nhưng trách nhiệm của chính quyền Việt Nam để đảm bảo điều này được thực hiện công bằng và tới nơi tới chốn, cần phải như thế nào ạ?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Đoàn cấp cao của Hội da cam Việt Nam đã chuẩn bị một số hồ sơ của các nạn nhân và đã chứng minh như trường hợp vừa rồi của ông Quý hay của hai chị bị nhiễm da cam qua Mỹ kiện về 1 tuần sau đã chết. Ba mươi bảy công ty hóa chất của Mỹ, họ biết điều đó nhưng họ vẫn chối cãi. Nếu họ có lương tâm thì không bao giờ họ chối cãi vấn đề đó. Họ phải có trách nhiệm vì cuộc sống của nạn nhân da cam rất ngắn ngủi, như ngọn đèn không biết lúc nào tắt hết.

Trà Mi: Không phải những người đi kiện mới chứng minh, còn những người còn lại thì như thế nào? Phải có một biện pháp nào chứ ạ?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Việc đó thì khi nào vụ kiện của mình đi đến một mốc mà hai bên biết hiểu nhau thì bên chính phủ chúng tôi sẽ có rất nhiều. Còn bây giờ mình đi, mình không thể đem cả đoàn qua được. Khi nào họ cụ thể hỗ trợ như thế nào thì chúng tôi sẽ có những cái số cụ thể. Bởi lẽ nguồn kinh phí để điều tra hết trên toàn đất nước chúng tôi là quá lớn, lớn hơn tiền để chúng tôi chăm sóc, nuôi dưỡng những nạn nhân đó. Một em xét nghiệm mất trên 1 ngàn đô thì mình phải lo đời sống cho họ thì hơn. Cái khó khăn bây giờ là các em đang thoi thóp, mình phải lo sức khỏe của các em cái đã.

Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm với 37 công ty hóa chất để 37 công ty hóa chất có trách nhiệm với các nạn nhân da cam Việt Nam, bồi thường cho nạn nhân. Tôi cũng mong sao việc này xảy ra sớm để mối quan hệ hòa bình-hữu nghị-đoàn kết Việt-Mỹ thắt chặt hơn. Tôi muốn rằng quan hệ Việt-Mỹ đi đến đâu cũng không nói về vấn đề da cam nữa để sự hợp tác phát triển kinh tế của hai đất nước khỏi nặng nề. Những ngày vừa qua có một số các em Việt kiều về đây đến thăm trung tâm chúng tôi cũng rất vui.

Trà Mi: Sự quan tâm của người dân trong nước đối với vấn đề chất da cam và nạn nhân da cam chất da cam như thế nào ạ?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Người dân trong nước cảm thông và chia sẻ nhiều lắm. Từ lâu chúng tôi hoạt động là nhờ vào sự ủng hộ của người dân trong nước rất nhiều. Nước ngoài họ cho các dự án, nhưng lâu lâu mới cho một lần, chứ còn trong nước là hỗ trợ mình thường xuyên, thể hiện tấm lòng “lá lành đùm lá rách” rất lớn.

Trà Mi: Số nạn nhân da cam tại Việt Nam nhận được sự hỗ trợ chiếm tỷ lệ bao nhiêu?

Chị Nguyễn Thị Hiền: Về số lượng nạn nhân da cam Việt Nam được hỗ trợ là cũng trên 50-70% đó chị.

Trà Mi: Cảm ơn chị rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Vừa rồi là một số thông tin liên quan đến nạn nhân da cam tại Việt Nam. Như quý vị và các bạn vừa nghe lúc nãy, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng cho biết là có một số các bạn trẻ Việt kiều tại Mỹ đang đến thăm và giúp đỡ các nạn nhân da cam ở Việt Nam.

Những người bạn trẻ Việt Nam thuộc thế hệ hậu chiến, sinh trưởng ở Mỹ, vì sao họ quan tâm đến vấn đề da cam và nạn nhân da cam tại Việt Nam? Chúng ta sẽ cùng gặp gỡ những người bạn này trong một chương trình sau, các bạn nhé.

Trà Mi thân ái kính chào tạm biệt quý vị và các bạn.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG