Tổ chức Freedom House cho biết vùng Đông Á và Thái Bình Dương nói chung tương đối có mức độ tự do báo chí cao trong năm 2010.
Phúc trình cho biết truyền thông trong 2/3 các quốc gia và lãnh thổ tại khu vực rộng lớn này là “có tự do” hoặc tự do “một phần,” trong khi đánh giá 1/3 còn lại là “không có tự do.”
Nhưng phúc trình cũng cho biết việc đánh giá trong cả vùng rộng lớn cũng che khuất những khác biệt đáng kể trong môi trường tin tức trong khu vực, và nói rằng chỉ có 5% dân số trong vùng này được tiếp cận với một nền báo chí tự do.
Phúc trình chỉ trích môi trường báo chí kém đi tại Nam Triều Tiên, và nói rằng tình hình tự do báo chí đã bị suy thoái đáng kể trong các vụ xáo động chính trị tại Thái Lan.
Phúc trình này đánh giá tình trạng báo chí tại Thái Lan là không tự do và cho rằng phần lớn nguyên nhân của tình trạng này là do các luật lệ mới hạn chế những bình luận trên mạng và cấm việc thảo luận công khai về chế độ quân chủ tại nước này.
Nam Triều Tiên bị đánh sụt hạng, chỉ còn là nước có báo chí “tự do một phần” bởi vì những nỗ lực của chính phủ nhắm kiểm duyệt và ảnh hưởng tới các tổ chức truyền thông.
Phúc trình nói rằng Trung Quốc vẫn duy trì tình trạng “đàn áp cao” kiểm soát truyền thông chặt chẽ với sự gia tăng kiểm duyệt và việc tuyên truyền thấy rõ của đảng Cộng Sản trên cả phương tiện báo chí truyền thống và báo chí trên mạng.
Phúc trình cũng nêu lên hành động của chính phủ Trung Quốc tiếp tục cầm tù nhân vật hoạt động bênh vực dân chủ đồng thời là khôi nguyên Giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba, và sự đàn áp của Bắc Kinh đối với những người hoạt động dân chủ trong đó có các luật sư và các văn nghệ sĩ.
Châu Á bao gồm hai quốc gia bị tổ chức Freedom House đánh giá tệ nhất trên thế giới là Miến Điện và Bắc Triều Tiên. Lào và Việt Nam cũng bị mô tả là không có tự do báo chí.