Đường dẫn truy cập

Khi tất cả người dân trở thành nhà báo


Bức ảnh lấy từ video của một người thu hình nghiệp dư cho thấy một người đàn ông ném đá vào chiếc xe tăng đang tiến vào thị trấn Deraa của Syria trong vụ đàn áp biểu tình
Bức ảnh lấy từ video của một người thu hình nghiệp dư cho thấy một người đàn ông ném đá vào chiếc xe tăng đang tiến vào thị trấn Deraa của Syria trong vụ đàn áp biểu tình

Nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, 3 tháng 5, người dân đường phố ngày càng đóng vai trò quan trọng nói lên tiếng nói của những người áp bức. Tiếp tay cho phong trào dân báo này là Internet, điện thoại di động, và các trang mạng xã hội.

Phẫn nộ trước cuộc đàn áp dã man của chính quyền, người biểu tình Syria đã nhờ đến Internet để nói lên tiếng nói của mình.

Mặc dù hình ảnh nghiệp dư không thể kiểm chứng một cách độc lập, trang mạng xã hội và những người dân báo đã giúp huy động và tổ chức các cuộc biểu tình.

Chuyên viên truyền thông Adel Iskandar của trường đại học Georgetown ở Washington nhận xét:

“Dân báo đã có một trách nhiệm to lớn tại Syria, khi không có nhà báo chuyên nghiệp tại chỗ. Tôi cho đó là to lớn bởi vì trong thực tế, người dân đường phố đã trở thành lỗ tai và cặp mắt của thế giới.”

Chuyên viên Courtney Radsch của tổ chức theo dõi nhân quyền Freedom House ở Mỹ cho biết:

“Điện thoại di động tại các nước A-rập đã trở thành một công cụ thông tin có sức mạnh, vì hầu như ai cũng có. Chỉ cần bấm một tấm hình, thu một bài hát, hoặc quay một đoạn video về sự ác độc của công an cảnh sát; trong nháy mắt các thông tin đó sẽ được khắp thế giới biết đến. Nhờ những công nghệ mới, họ có thể tải thông tin thẳng từ điện thoại di động hoặc camera, khỏi cần trở về nhà hoặc văn phòng mở laptop ra.”

Đa số hình ảnh và video xuất xứ Syria đều có thể tìm thấy trên Facebook, trang mạng xã hội ngày càng phổ biến. Ngay cả các đài truyền hình A-rập như Al Jazeera, Al Arabiya cũng nương tựa vào sản phẩm của các vị dân báo tại Syria, Bahrain, Ai Cập và những nơi khác.

Liệu dân báo có thể thay thế các nhà báo chuyên nghiệp? Chuyên viên Courtney Radsch không tin như thế:

“Chúng ta không thể dựa mãi vào các dân báo ẩn danh để theo dõi và tường trình những tin tức quan trọng về chính trị hoặc kinh tế. Các dân báo này có xu hướng chú trọng đến những mảng bên lề, những mảng chưa được các nhà báo chính thống đụng tới, hoặc những mảng không phải chịu trách nhiệm về nội dung.”

Phong trào dân báo cũng có những điểm hoặc những bước lùi cần chú ý.

Ví dụ khi có cuộc nổi dậy ở Ai Cập, chính quyền đã đóng cửa Internet. Tại Tunisia, chính quyền đã xâm nhập tài khoản Facebook của những người bị nghi là đứng đầu cuộc nổi dậy để gây rối. Tại Syria, chính quyền tràn ngập các bản tin Twitter bằng thư rác hoặc những thông tin chẳng liên quan gì đến cuộc nổi dậy.

Chuyên viên Courtney Radsch của Freedom House nói rằng nhiều khi chính quyền còn có thể cài người vào các trang mạng xã hội để tung ra những tin có lợi cho nhà nước.

Nhưng chuyên viên Adel Iskandar của trường đại học Georgetown nói cho dù việc chính quyền Ai Cập đóng cửa Internet có vẻ thành công lúc đầu, cuối cùng thì sức mạnh nhân dân là quyết định.

Ông nói tiếp: “Đóng cửa Internet là một quyết định nghiêm trọng mà chính quyền cần phải suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động. Trong một số trường hợp, chuyện này phản tác dụng bởi vì một khi người dân đã dứt khoát muốn thể hiện ý chí của mình, quả bóng đã bắt đầu lăn, thì khó lòng có một cách nào ngăn chận.”

Tại Ai Cập, khi đóng cửa Internet, chính quyền chẳng những đã không ngăn được cuộc nổi dậy mà cả nước còn thiệt mất khoảng 90 tỉ đôla trong các giao dịch thương mại quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG