Vừa rời khỏi VN, luật sư bất đồng chính kiến nhận giải thưởng nhân quyền ở Đức

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức. Ảnh: thoibao.de

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức. Ảnh: thoibao.de

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động bị Việt Nam kết án tù 15 năm với cáo buộc “lật đổ chính quyền”, vừa chính thức nhận giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức vào ngày 13/6, sau khi ông được phóng thích sớm và đưa sang nước này vài ngày trước đó.

Luật sư Nguyễn Văn Đài được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao giải thưởng nhân quyền vào tháng 4 năm ngoái, trong lúc đang bị cầm tù tại Việt Nam. Vợ ông, bà Vũ Minh Khánh, đã không thể thay chồng nhận giải thưởng vào thời điểm đó vì bị công an chặn lại tại sân bay.

Giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức tôn vinh những nhân vật nổi bật trong lĩnh vực nhân quyền và luật pháp trên toàn thế giới, với mục tiêu bảo vệ và cổ võ cho các quyền phổ quát, tự do cơ bản của con người trên toàn cầu. LS. Nguyễn Văn Đài là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng này.

Trong buổi trực tiếp nhận giải, dưới sự chứng kiến của Dân biểu Gyle Jensen, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức, LS. Nguyễn Văn Đài cho biết ông đến nước Đức “không phải để mưu cầu cuộc sống của mình”, mà để “tìm kiếm cơ hội tiếp tục đấu tranh cho tự do của những người bạn cùng bị kết án với tôi và rất nhiều những người khác còn đang bị cầm tù cũng như một số người khác đang chạy trốn trên đất nước của tôi”.

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015 tại Hà Nội và bị giam giữ từ đó cho đến thời điểm bị kết án và được phóng thích để đưa sang Đức vào tối 7/6.

Ông Đài bị bắt sau khi thuyết trình về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa khoảng 70 người tại nhà riêng của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Phát biểu sau khi nhận giải ngày 13/6, LS. Nguyễn Văn Đài cho biết ông từng đến Đông Đức làm việc 29 năm trước và có cơ hội ở lại để trở thành công dân nước này. Nhưng ông đã quyết định trở về Việt Nam. Lý do là vì 11 tháng sống tại đây, ông đã “tìm thấy những ý tưởng về tự do, dân chủ, những giá trị cao đẹp của một đất nước thống nhất”.

Sau khi trở về Việt Nam, ông theo học ngành Luật và trở thành luật sư, từ đó bắt đầu con đường “dấn thân đấu tranh cho tự do và những giá trị nhân quyền, những gì mà tôi đã học được từ nước Đức”.

Ông cám ơn nước Đức đã “cưu mang” mình và mong muốn những “giá trị nhân quyền cao quý đó không chỉ được thực hiện ở nước Đức mà còn được thực hiện ở đất nước quê hương yêu dấu của tôi”.

Luật sư Nguyễn Văn Đài (giữa) trong phiên tòa xét xử các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ tại Hà Nội vào ngày 5/4/2018.

LS. Nguyễn Văn Đài được xem là một trong những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông từng viết nhiều bài nghiên cứu luật học về các quyền tự do chính trị ở Việt Nam và khẳng định rằng Hiến pháp Việt Nam tuy thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhưng lại không cấm thành lập các chính đảng mới. Vì vậy, công dân Việt Nam có quyền thành lập đảng chính trị mà không cần phải xin phép nhà nước.

Trong thời gian hành nghề luật sư, ông Đài từng nhận bảo vệ nhiều vụ án về tôn giáo và nhân quyền, soạn thảo các văn kiện, nội dung pháp lý và đóng góp vào việc thành lập các tổ chức đấu tranh dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Ngoài giải thưởng của Đức, LS. Nguyễn Văn Đài còn nhận được giải thưởng Hellman-Hemmet của tổ chức Theo dõi Nhân quyền và giải nhân quyền Việt Nam 2007 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.

Cùng bị kết án gần đây nhất với ông Đài là 5 thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức mà ông Đài là một trong những sáng lập viên, bao gồm: cộng sự Lê Thu Hà, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển.

Tổng cộng bản án của 6 người lên đến 66 năm tù giam cho tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Ông Đài nhận bản án cao nhất vì bị xem là “đối tượng cầm đầu”, “có vai trò chủ mưu”, và “trực tiếp xây dựng cương lĩnh hoạt động của ‘Hội anh em dân chủ’”.