Đường dẫn truy cập

Lập pháp Mỹ điều trần, chỉ trích nhân quyền Việt Nam


Một năm tồi tệ cho nhân quyền Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:48 0:00

Thực trạng nhân quyền ảm đạm của Việt Nam là tâm điểm của một phiên điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm, trong đó các dân biểu liên bang và các nhân chứng nêu bật những điều được mô tả là những vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam và thu hút sự chú ý tới những nhà hoạt động đang bị cầm tù.

Phiên điều trần mang tên “Một Năm Tồi tệ Cho Nhân quyền Việt Nam” được chủ trì bởi Dân biểu Chris Smith, chủ tịch tiểu ban đặc trách nhân quyền toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, một trong những nghị sĩ Đảng Cộng hòa thường xuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam trong Quốc hội Mỹ.

Phát biểu khai mạc, ông Smith lưu ý hiện có 169 tù nhân chính trị và tôn giáo ở Việt Nam và chỉ trong năm ngoái 22 blogger đã bị cầm tù cùng với 6 thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự vận động cho nhân quyền ở Việt Nam.

Trong lúc phiên điều trần diễn ra, luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài, một trong những người sáng lập Hội Anh em Dân chủ, đã được Việt Nam phóng thích khỏi tù và đang trên đường bay sang Đức tị nạn cùng với vợ Vũ Minh Khánh và cộng sự Lê Thu Hà. Trước đó ông bị tuyên án 15 năm tù về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vào tháng 4.

“Tôi hết sức vui mừng rằng Nguyễn Văn Đài và vợ, cùng với bà Lê Thu Hà, giờ cuối cùng đã an toàn và tự do phát biểu và thờ phượng theo ý muốn của họ,” ông Smith nói trong một thông cáo công bố sau đó vào ngày thứ Sáu. “Nhưng tôi buồn vì chính phủ Việt Nam chọn cách tra tấn, giam cầm, và trục xuất một số trong số những công dân ưu tú nhất của mình—những người chỉ muốn đất nước của họ tuân thủ những chuẩn mực nhân quyền được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam và trong những nghĩa vụ của mình với Liên Hiệp Quốc.”

Dù thực hiện cải cách kinh tế rộng khắp và ngày càng chấp nhận những thay đổi xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn thắt chặt kiểm duyệt đối với giới truyền thông và không dung chấp những chỉ trích. Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định rằng Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng cường bắt giữ và truy tố ngày càng nhiều người chỉ trích chính quyền.

Việt Nam vẫn thường bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ không bắt giữ công dân vì bày tỏ chính kiến cá nhân mà là vì những người đó vi phạm luật pháp của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đài, bà Vũ Minh Khánh (bên trái) và bà Lê Thu Hà, ngày 8/6/2018 tại Đức. Ảnh Facebook Vũ Minh Khánh.
Ông Nguyễn Văn Đài, bà Vũ Minh Khánh (bên trái) và bà Lê Thu Hà, ngày 8/6/2018 tại Đức. Ảnh Facebook Vũ Minh Khánh.

Dinah PoKempner, trưởng cố vấn pháp lý của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), khai chứng trong phiên điều trần rằng trong năm 2017, công an đã bắt giữ ít nhất 41 người về những tội liên quan đến “an ninh quốc gia,” và trong năm tháng đầu của năm 2018, các tòa án đã kết tội ít nhất 26 người về các tội chính trị, với án tù từ 2 tới 15 năm.

“Và không có dấu hiệu về sự thay đổi hay tiến bộ,” bà Pokempner nói, lưu ý thêm rằng Quốc hội Việt Nam chuẩn bị thông qua một luật an ninh mạng vào ngày 12 tháng 6 “mà sẽ cung cấp thêm một cách nữa để làm im tiếng và trừng phạt những người chỉ trích chính phủ hay Đảng.”

Tòa án Việt Nam đã bác bỏ đơn xin phúc thẩm và giữ nguyên án tù tổng cộng 66 năm đối với sáu thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, sau khi “liên tục cản trở” các bị cáo và luật sư phát biểu, theo tường thuật của một luật sư nói với VOA đầu tuần này.

Lê Thanh Tùng, một đại diện của Hội hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, xuất hiện trong tư cách nhân chứng tại phiên điều trần hôm thứ Năm. Ông cho biết ngoài những người bị giam giữ, tất cả các thành viên của Hội đều bị đe dọa và người thân bị sách nhiễu liên tục, kể cả gia đình của ông.

“Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bố trí công an vào đánh đập vợ con tôi ngay tại nhà,” ông Tùng kể lại một sự việc mà ông nói xảy ra vào năm 2016, đầu năm 2017. “Các con tôi khi còn đi học thì bị công an chận bắt dọc đường để tra hỏi thông tin về tôi.”

Dù phần lớn các lãnh đạo cao cấp của Hội bị bỏ tù, ông Tùng nói với VOA sau phiên điều trần, việc này vẫn không làm “nao núng” các kế hoạch và hoạt động của Hội, và trong tương lai sắp tới Hội sẽ tái cơ cấu việc tổ chức nhân sự và sẽ lại triển khai những dự án mới để hỗ trợ cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ lâu nay đã vận động cho vấn đề nhân quyền Việt Nam bằng những dự luật mang tính lưỡng đảng, nhưng những nỗ lực này bị đình trệ tại Thượng viện dù Hạ viện đã nhiều lần thông qua.

“Chính sách của Mỹ đã làm người dân Việt Nam thất vọng. Đây là lời chỉ trích mang tính lưỡng đảng,” Dân biểu Smith nói trong phiên điều trần.

Nhà lập pháp này gần đây đã tái giới thiệu một dự luật được gọi là Đạo luật Nhân quyền Việt Nam để “buộc các nhà lãnh đạo Việt Nam chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền.” Dự luật này định ra chính sách của Mỹ là thẩm định và chế tài các quan chức Việt Nam và những người đồng lõa được xác định là vi phạm trầm trọng nhân quyền hoặc quyền tự do tôn giáo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, ngày 12 tháng 11, 2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, ngày 12 tháng 11, 2017.

Chính quyền Trump bị cho lơ là vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại mà thay vào đó đề cao những thỏa thuận kinh doanh và thương mại. Trái với những Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump không nhắc tới vấn đề nhân quyền trong những phát biểu công khai của ông trong chuyến công du Việt Nam vào năm ngoái, và từ “nhân quyền” chỉ được nhắc tới đúng một lần trong Tuyên bố chung Mỹ-Việt.

Điều này đã khơi lên chỉ trích từ một số nhà lập pháp Cộng hòa lẫn Dân chủ. Họ hối thúc chính quyền gây áp lực lên Việt Nam hơn nữa bằng cách tận dụng sức ảnh hưởng của Mỹ, nước mà Việt Nam đang nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt khẳng định địa vị của mình ở Châu Á-Thái Bình Dương.

“Chính quyền Trump có cơ hội mang lại những cải cách thực sự ở Việt Nam nếu liên kết những cải thiện nhân quyền rõ ràng với mối quan hệ Mỹ-Việt tốt đẹp hơn,” ông Smith nói.

Trong khi đó, các nhà hoạt động vẫn tiếp tục nỗ lực vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, từ trên đường phố cho tới những hội trường nghị sự. Họ thừa nhận thay đổi sẽ đến rất chậm.

“Mình không thể nào chán nản dựa trên sự hiểu biết rằng thay đổi sẽ đến rất chậm,” cựu dân biểu liên bang Hoa Kỳ, Cao Quang Ánh, người cũng là nhân chứng trong phiên điều trần, nói với các phóng viên bên lề sự kiện. Ông là dân biểu gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Hạ viện Hoa Kỳ và phục vụ từ năm 2009 tới năm 2011.

“Nhưng mà mình phải cần quyết tâm, lòng tiếp tục tranh đấu cho sự hy vọng của những người trong nước Việt Nam, tương lai của nước Việt Nam,” ông nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG