Các tổ chức nhân quyền quốc tế ra thông cáo chung kêu gọi chính quyền Việt Nam bãi bỏ mọi cáo buộc và phóng thích ngay lập tức các nhà hoạt động nhân quyền thuộc Hội Anh Em Dân Chủ sắp sửa bị đưa ra xét xử về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân nhân.”
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người sáng lập Hội, và cộng sự Lê Thu Hà cùng các thành viên khác của Hội bao gồm Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Nguyễn Bắc Truyển sẽ ra Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 5 tháng 4. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với bản án từ 12 năm tù giam cho tới tù chung thân hoặc tử hình.
Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) Debbie Stothard kêu gọi cộng đồng quốc tế thẳng thừng lên án "cuộc đàn áp không ngừng" của chính phủ Việt Nam nhắm vào xã hội dân sự.
"Việc câu lưu tiền thẩm kéo dài và tùy tiện đối với Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà đáng bị toàn thể cộng đồng quốc tế lên án," bà nói trong thông cáo chung.
Ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà bị giam giữ không thông qua xét xử kể từ tháng 12 năm 2015. Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Nguyễn Bắc Truyển bị bắt cùng lúc tại nhà riêng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa vào tháng 7 năm 2017 và đã bị giam giữ từ đó.
Tháng 12 năm 2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ở Hà Nội loan báo Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội bị cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" (trước đây là Điều 79, giờ là Điều 109 của Bộ luật Hình sự sửa đổi). Thông cáo nói các cáo buộc của Hà Nội nhắm vào những nhà hoạt động này bao gồm ủng hộ thiết lập một nền kinh tế thị trường tự do và một chính phủ dân chủ, kêu gọi các tổ chức quốc tế lên tiếng chống lại các vi phạm nhân quyền, và hỗ trợ pháp lý cho những người nông dân và nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa ô nhiễm Formosa.
Kể từ khi bị bắt giữ hơn hai năm trước, ông Đài không được gặp luật sư của mình, và vợ ông chỉ được phép thăm ông ba lần. Vào tháng 6 năm 2017, Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện tuyên bố việc giam giữ ông là tùy tiện và kêu gọi phóng thích ông. Các thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ cũng không được gặp gia đình và luật sư cũng như không có cơ hội để chuẩn bị cho phần biện hộ của mình, thông cáo của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền nêu rõ.
Thân nhân của các nhà hoạt động này hôm 3 tháng 4 cho VOA biết họ chưa được cấp giấy phép tham dự phiên tòa vào ngày 5 tháng 4.
"Phiên tòa này là một biểu hiện gây sốc của việc Việt Nam coi thường các nghĩa vụ có tính ràng buộc của mình theo các thỏa ước nhân quyền quốc tế mà nước này là một thành viên," ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) nói trong thông cáo chung.
"Đây là một sự thụt lùi mới đối với chế độ đàn áp của Hà Nội," ông nói.
Các tổ chức nhân quyền cho biết kể từ tháng 12 năm 2017, ít nhất 24 nhà hoạt động và những người bảo vệ nhân quyền đã bị kết án tù ở Việt Nam. Họ ước tính Việt Nam đang giam giữ ít nhất 130 tù nhân chính trị.