Việt Nam vừa phê duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng loại “dược phẩm” đầu tiên tự bào chế từ dược thảo để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 10/8.
Trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn lời PGS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, cho biết “thuốc điều trị COVID-19" được điều chế từ thảo dược là kết quả của đề tài nghiên cứu do PGS.TS. Lê Quang Huấn và cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học thực hiện, với mục tiêu tìm ra thuốc ức chế virus SARS-CoV-2 (loại virus gây ra đại dịch COVID-19).
Nghiên cứu này kế thừa các nghiên cứu của Viện Hàn lâm, các tài liệu y văn kết hợp với công nghệ hiện đại tin sinh học là phần mềm AutoDock. Hiện nhóm nghiên cứu đã tạo ra được sản phẩm viên nang cứng và “đặt tên thuốc là VIPDERVIR”.
“Thuốc VIPDERVIR” được đánh giá là sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus H5N1 và SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm.
Tin cho hay “dược phẩm” được bào chế hoàn toàn từ các dược liệu tại Việt Nam để đảm bảo cho việc sản xuất đại trà nhằm phục vụ kịp thời cho việc đối phó với bùng phát dịch.
Đây là “thuốc điều trị Covid-19" đầu tiên được Việt Nam cấp phép thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa ra sử dụng đại trà nếu đạt hiệu quả.
Được biết, trước đó Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Đây là loại thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir nhưng được sử dụng ở đường uống. Favipiravir lần đầu tiên được sử dụng để chống COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó nó được chấp thuận sử dụng ở Italia, Nhật Bản, Nga và một số nước khác.
Sau khi thông tin về việc phê duyệt được công bố, chiều 11/8, báo Đầu Tư đăng bài trích dẫn ý kiến 3 người có chuyên môn y dược đề nghị chưa gọi VIPDERVIR là thuốc vì hiện tại chế phẩm này vẫn chỉ trong giai đoạn nghiên cứu, có thể phải chờ thêm 4-6 tháng mới xác định nó có tác dụng điều trị COVID-19 hay không.
Your browser doesn’t support HTML5