Đường dẫn truy cập

Việt Nam trong nhóm các nước nhận viện trợ vaccine nhiều nhất từ Mỹ


Cuộc gặp giữa phái đoàn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với đoàn của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội hôm 29/7. Việt Nam nhận tổng cộng 5 triệu liều vaccine Moderna từ Mỹ trước khi ông Austin đến Hà Nội.
Cuộc gặp giữa phái đoàn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với đoàn của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội hôm 29/7. Việt Nam nhận tổng cộng 5 triệu liều vaccine Moderna từ Mỹ trước khi ông Austin đến Hà Nội.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước đã nhận viện trợ vaccine chống COVID-19 nhiều nhất trong tổng số hơn 100 triệu liều vaccine mà chính phủ Mỹ hỗ trợ cho toàn cầu không kèm bất cứ điều kiện gì trong thời gian qua.

Một danh sách mới được Nhà Trắng công bố về việc phân bổ hơn 111,7 triệu liều vaccine tới hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, cho thấy Việt Nam đứng thứ 7 với 5 triệu liều vaccine.

Năm triệu liều Moderna do Mỹ tặng Việt Nam được chuyển tới quốc gia Đông Nam Á trong hai lần vào tháng trước, với 3 triệu liều được chuyển giao hôm 25/7, vài ngày trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới thăm Hà Nội.

Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong số các nước nhận viện trợ vaccine của chính phủ Mỹ, được phân bổ nhiều nhất với 8 triệu liều. Việt Nam đứng sau Philippines, nước nhận được 6,2 triệu liều vaccine, trong số các quốc gia Đông Nam Á trong danh sách phân bổ vaccine toàn cầu của Nhà Trắng.

Trả lời phóng viên trong nước về quan điểm của Việt Nam khi nằm trong nhóm các quốc gia nhận viện trợ vaccine nhiều nhất từ Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Lê Thị Thu Hằng, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/8 rằng Việt Nam “trân trọng mọi sự hỗ trợ, đóng góp dù là nhỏ nhất” và “mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác và tổ chức quốc tế để tăng cường tiêm chủng trong nước, hướng tới miễn dịch cộng đồng.”

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực và nhắm mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay. Tuy nhiên, trước sự khan hiếm về nguồn vaccine trong khi đang trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất, chính phủ Hà Nội sau đó đã giảm mục tiêu xuống là phấn đấu tiêm chủng đầy đủ cho 50% người trưởng thành đến cuối năm.

Bà Hằng cho biết rằng đến nay, Việt Nam đã nhận khoảng 18 triệu liều vaccine chống COVID-19 từ nhiều nước, đối tác và các tổ chức quốc tế. Ngoài Mỹ, những nước đã viện trợ vaccine cho Việt Nam trong những tháng gần đây còn gồm có Nhật Bản, Anh, Nga và Trung Quốc.

Ngoài 5 triệu liều vaccine Moderna, chính quyền Mỹ tới nay đã viện trợ cho Việt Nam hơn 20 triệu USD để chống dịch. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Hà Kim Ngọc, vào tháng trước cho biết Mỹ sẽ viện trợ thêm vaccine cho Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ với hai chuyến thăm liên tiếp trong vòng 1 tháng của Bộ trưởng Quốc phòng Austin cuối tháng trước và Phó Tổng thống Kamala Harris vào cuối tháng này.

Với tổng cộng 111,701 triệu liều vaccine gửi đến hơn 60 nước trên toàn cầu, chủ yếu gồm châu Á, châu Phi và một số nước Nam Mỹ, Nhà Trắng nói trong thông báo khi công bố danh sách này hôm 3/8 rằng đây là “một cột mốc quan trọng khẳng định Mỹ là nước dẫn đầu toàn cầu về tài trợ vaccine COVID-19.” Theo Liên Hợp Quốc, con số này nhiều hơn lượng quyên góp của tất cả các quốc gia khác cộng lại và “phản ánh sự hào phóng của tinh thần Mỹ.”

Tổng thống Biden vào tháng 6 cam kết hỗ trợ ít nhất 80 triệu liều vaccine từ nguồn cung của Mỹ tới các quốc gia trên toàn thế giới và hứa rằng sẽ tiếp tục chia sẻ chừng nào Mỹ có khả năng đồng thời nói rằng sự hỗ trợ của chính quyền ông không kèm theo bất kỳ điều kiện gì.

Nhà Trắng cũng cho biết từ cuối tháng này, Chính quyền Biden sẽ bắt đầu chuyển giao nửa tỷ liều vaccine Pfizer mà Mỹ đã cam kết mua để tặng cho 100 quốc gia có thu nhập thấp trên toàn thế giới đang cần vaccine để tiêm chủng cho người dân của họ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG