Mở đầu buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng đánh giá rằng quan hệ song phương Hà Nội - Washington trong 15 năm qua đã 'phát triển mạnh cả về chiều sâu và bề rộng'.
Nhà ngoại giao này nhấn mạnh tới một điểm nổi bật trong bang giao giữa hai nước là hợp tác kinh tế, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 16 tỷ đôla, và Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam trong năm ngoái.
Ông Đại sứ Việt Nam cũng nhấn mạnh tới việc hai nước luôn chú trọng thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau thông qua các cuộc đối thoại.
Ông Phụng nói: 'Các cuộc gặp thường xuyên giữa các giới chức cấp cao hai nước trong những năm vừa qua đã củng cố sự hiểu biết và lòng tin lẫn nhau, đồng thời xác định rõ hướng đi phát triển tương lai của mối quan hệ Việt - Mỹ. Hai nước hiện cũng duy trì các cuộc đối thoại thường niên về chính trị, an ninh, quốc phòng và nhân quyền. 15 năm qua đã đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ song phương. Sự phát triển của mối quan hệ phục vụ cho lợi ích của người dân và hai quốc gia, đồng thời đóng góp vào sự ổn định và hoà bình của khu vực cũng như thế giới’.
Phát biểu đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, nói rằng 'có lẽ ít người từng hình dung ra được những gì Hà Nội và Washington đã đạt được trong vòng 15 năm qua'.
Ông nhấn mạnh rằng trong số tất cả các 'bè bạn ở Đông Nam Á, viễn ảnh quan hệ tương lai giữa Hoa Kỳ và Việt Nam rất tốt đẹp'.
Ông Trợ lý Ngoại trưởng nêu dẫn chứng về mối quan hệ nảy nở này bằng cách thông báo về chuyến thăm Việt Nam vào tuần tới của Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Năm 1995, Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, chính thức bình thường hoá quan hệ Hà Nội - Washington.
Chính bởi lẽ đó, sự xuất hiện của ông Clinton tại buổi lễ đã được những người tham gia nồng nhiệt chào đón.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ đã bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những ai đã ủng hộ và đóng góp công sức đối với việc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao hơn một thập kỷ trước.
Ông Clinton nói: 'Tôi biết ơn tất cả các bạn. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì quan hệ, và đánh dấu những cột mốc mới năm năm một lần trong các lĩnh vực từ thương mại, quân sự, giáo dục cho tới hợp tác nhân đạo, chúng ta sẽ bù đắp cho những hy sinh từ cả hai phía bằng cách vinh danh những người đã hy sinh và làm dịu bớt những di sản của những ai sống sót’.
Ông Clinton cũng cho rằng mối bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ đang tiến về phía trước: 'Chúng ta không được quên quá khứ nhưng chúng ta không bị ép buộc phải lặp lại lịch sử. Chúng ta tự do mở một trang sử mới, và đó là điều Hoa Kỳ và Việt Nam đã và đang thực hiện. Khi tôi tới Việt Nam năm 2000, tôi có một số kỷ niệm không thể nào quên. Đó là sự mến khách của người dân. Khi tôi đi ăn trưa tại một nhà hàng ở TP HCM, hàng chục nghìn người đã đứng bên đường để chào đón tôi. Nhưng có một chuyện đáng nhớ nữa là khi tôi tới một trong những nơi khai quật, tôi thấy người dân Việt Nam lội trong bùn đất sâu qúa đầu gối để tìm kiếm hài cốt của một phi công Hoa Kỳ'.
Một trong những giới chức Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ việc chính thức thiết lập bang giao với Việt Nam, Thượng nghị sĩ John Kerry, kể lại rằng hai bên đã trải qua nhiều thách thức trước khi có thể chính thức hợp tác toàn diện.
Ông Kerry nói: ‘Khi nhìn lại, tôi phải nói rằng tôi bị tác động mạnh bởi nhiều quyết định khó khăn, nhưng đúng đắn của những người tham gia tiến trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Tôi cũng bị tác động mạnh bởi nỗ lực chung cũng như lòng tin vào việc bình thường hoá quan hệ, cho dù vấp phải phản đối’.
Trong lễ kỷ niệm, ông Kerry cũng như các giới chức khác đã tránh không đề cập tới những khác biệt còn tồn tại giữa Hà Nội và Washington.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhấn mạnh rằng rằng ‘người Việt Nam đã học được từ bài học lịch sử của chính họ rằng chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có bạn bè chúng ta chưa bắt tay mà thôi’.