Ông Salzman nói: “Chúng ta đã tiến một bước dài kể từ khi bạn và tôi còn lo lắng về chuyện phục vụ trong quân ngũ, cũng như chuyện cha mẹ hay chính bản thân chúng ta nhìn thấy những máy bay trực thăng vũ trang trên TV”.
Ông Anthony Salzman nằm trong số các thanh niên Hoa Kỳ có lẽ đã tình nguyện hoặc bị động viên vào quân ngũ tham gia Chiến tranh Việt Nam. Nhưng ông không tự nguyện gia nhập quân ngũ và cũng không bị gọi nhập ngũ. Những năm tháng sau đó chứng kiến Salzman phát triển thành một doanh nhân tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Và ông đã chọn Việt Nam.
Ông Salzman kể: "Khi tôi tới Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 92, có thể nói là ở đây không có gì cả, và chính bởi vậy cũng không có thị trường nào cả. Hoặc nói một cách khác là cần phải làm rất nhiều việc, và đất nước này cần mọi thứ. Vậy nên, tôi lựa chọn điều thứ hai, một cách tiếp cận lạc quan.”
Ít ra, ông Salzman đã thành công. Nhận thấy nhu cầu của Việt Nam là cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như thực tế là chính phủ do đảng Cộng sản lãnh đạo sở hữu các công ty thiết lập phần lớn hệ thống đó, ông quyết định cung cấp máy móc để thực thi việc này. Công ty của ông nhập thiết bị vào Việt Nam và dự án kinh doanh hình thành. Được biết, tại thành phố quê hương thứ hai Hà Nội, ông Salzman được gọi là ‘ông Việt Nam’, và ngày 14 tháng 5 năm nay, Chủ tịch Việt Nam đã trao cho ông Huân chương Hữu nghị cao quý. Ông Salzman nói hành trình của ông không hề dễ dàng.
Ông Salzmann cho biết: "Đây là một nơi khó kinh doanh, khó có thể cân bằng và không thiên vị. Cực kỳ khó. Tôi đã làm việc ở Việt Nam một thời gian rất dài, và các mối quan hệ cũng như bí quyết về địa phương đã giúp tôi rất nhiều. Thế nên, tôi nghĩ, đối với một người mới tới thị trường này, thật không dễ dàng, và họ sẽ không quen ngay. Điều hấp dẫn là phần lớn dân số, phải nói là phần đông, được sinh ra sau cuộc chiến từng ảnh hưởng mạnh mẽ tới bạn và tôi. Họ không nhớ gì về chiến tranh và họ chỉ là những nhà tư bản năng động và nhạy bén. Bởi thế, họ cần mọi thứ và có thể làm mọi điều nếu được đào tạo và có thời gian tích lũy kinh nghiệm. Vậy nên, ai đó muốn làm ăn ở Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ xem những giá trị mà mình muốn mang đến là gì”.
Mặc dù giao thương giữa hai quốc gia tiếp tục tăng tốc, vẫn còn một số khúc ngoặt phía trước.
Bà Sanchez nói: "Thật rõ ràng là chính phủ Việt Nam thực sự tồi khi nói đến nhân quyền.”
Dân biểu Loretta Sanchez của tiểu bang California đại diện cho cộng đồng người Việt lớn nhất tại Quốc hội Hoa Kỳ. Bà nói về một số điều mà chính quyền Hà Nội cần phải thay đổi.
Dân biểu Sanchez nói tiếp: "Nếu xét về tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập đảng phái chính trị, tự do tôn giáo và tự do giao kèo tập thể (đối với công nhân), đó là một nơi rất áp chế."
Dân biểu Sanchez muốn Việt Nam bị đưa vào danh sách các nước ‘gây quan ngại đặc biệt’ (về tự do tôn giáo) có thể gây ảnh hưởng tới các vụ giao thương với Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tuần trước, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Harkin nói rằng vấn đề quyền lao động, quyền của công nhân và tự do tổ chức là một phần quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai. Doanh nhân Anthony Salzman nói vấn đề này bị thổi phồng.
Ông Salzman nói: “Theo quan điểm của tôi, các quyền của người lao động được bảo vệ một cách hết sức chặt chẽ ở Việt Nam. Trên thực tế, xét về một khía cạnh nào đó, toàn bộ hệ thống pháp luật nghiêng về phía người lao động. Từ khía cạnh luật pháp, đó là một môi trường khó khăn đối với người chủ. Trên thực tế, các công đoàn là một thành phần bắt buộc của mọi doanh nghiệp, cho dù để cân bằng, một công đoàn nào đó phải có đại diện của Đảng Cộng sản. Nhưng đó không thực sự là một vấn đề gây quan ngại lớn, và vì thế tôi thực sự không rõ vấn đề ở đây là gì”.
Vấn đề này có thể sẽ trở thành thủ đề thảo luận khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sắp đến Việt Nam để tham dự một diễn đàn khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hôm thứ Hai, phần lớn các dấu hiệu cho thấy mối bang giao đang được cải thiện nhanh chóng. Thông tín viên Đài VOA Ira Mellman ghi nhận về một người Hoa Kỳ đã chọn Việt Nam là nơi lập nghiệp của mình.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1