Tiền đồng Việt Nam trong cuộc chiến tỉ giá thế giới

Trụ sở ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội

Đô la trong thời gian gần đây liên tục tăng giá so với tiền đồng khiến dư luận Việt Nam dự đoán nhà nước lại sắp giảm giá tiền đồng, song có những ý kiến khác cho rằng áp lực của các cường quốc đòi Trung Quốc tăng giá đồng nguyên có thể đang tăng dần ảnh hưởng đến tiền đồng Việt Nam. Từ Hà Nội, phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA mời quý vị cùng theo dõi cuộc trao đổi với Giáo sư-Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, về đề tài đang thu hút sự chú ý này.

VOA: Thưa Tiến sĩ, các nền kinh tế hàng đầu thế giới, cụ thể là Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đang gia tăng áp lực đòi Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ. Đồng Nhân dân tệ đã tăng giá dần dần rồi, mặc dù không cao như các cường quốc kia mong muốn, và sắp tới chắc chắn nó sẽ diễn ra nữa khi mà áp lực càng ngày càng tăng như thế này. Trong bối cảnh đồng Việt Nam neo giá chặt với đồng tiền Mỹ, việc đồng Nhân dân tệ tăng giá như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh:
Việc đồng Nhân dân tệ dần tăng giá sẽ trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến đồng tiền Việt Nam, vì hiện nay Việt Nam có mối quan hệ buôn bán song phương rất cao đối với Trung Quốc. Trong đó Việt Nam nhập siêu của Trung Quốc nhiều nhất, khoảng 10 tỉ đôla Mỹ. Và nếu đồng tiền Trung Quốc cao giá lên, thì Việt Nam sẽ nhập siêu 10 tỉ đôla đó nhưng thanh toán bằng đồng tiền Trung Quốc, thì giá sẽ cao hơn lên rất nhiều. Tức là nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc sẽ còn lớn hơn. Và sức ép lên khả năng cán cân thanh toán của Việt Nam lại càng cao hơn.

Mặc khác đồng tiền Trung Quốc mà cao lên, mạnh lên, thì giá cả một số mặt hàng của Trung Quốc cũng có thể là cao hơn, và một số mặt hàng tương ứng của Việt Nam như dệt may, da giầy có khả năng cải thiện năng lực cạnh tranh so với các mặt hàng Trung Quốc.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng từ trước tới nay các mặt hàng của Trung Quốc rẻ một cách không thể giải thích được, cho nên hàng hóa Việt Nam hầu như không thể cạnh tranh được. Một bộ complê bán ở biên giới khoảng 150 ngàn đồng Việt Nam, trong khi đó giá công để may một bộ complê như vậy ở Hà Nội bây giờ phải khoảng 1,5 triệu đồng, chưa kể vải và các sản phẩm khác.

Vì vậy tác động trực tiếp và gián tiếp đến đồng tiền Việt Nam là rõ ràng, tuy rằng Việt Nam không neo đồng tiền Việt Nam vào đồng Nhân dân tệ.

Hơn thế nữa, gần đây Trung Quốc có gợi ý với một số nước là nên dùng bản tệ và Nhân dân tệ trong thanh toán song phương, tức là nếu như anh xuất sang Trung Quốc thì anh được trả bằng Nhân dân tệ, mà Trung Quốc xuất sang Việt Nam thì sẽ được trả bằng tiền Việt Nam.

Trong trường hợp của Indonesia và Malaysia thì họ đồng ý ngay, vì quan hệ thương mại của họ tương đối cân bằng.

Thế nhưng đối với Việt Nam hiện nay đang nhập siêu của Trung Quốc 10 tỉ đôla, nếu như Việt Nam lại chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, thì Việt Nam sẽ phải vay của Trung Quốc.

Khác với việc thanh toán bằng đồng đôla. Hiện nay Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, sang Liên minh châu Aâu, cho nên Việt Nam có thể dùng tiền đôla thâu được từ các nước ấy thanh toán với Trung Quốc, mà Việt Nam không phải vay nợ Trung Quốc.

Và nếu như Việt Nam thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, Việt Nam chỉ có một cách là vay của Trung Quốc. Và như vậy ngoài việc phụ thuộc về hàng hóa, Việt Nam sẽ lại phụ thuộc thêm một cái tròng nữa, là phụ thuộc về tín dụng. Và đấy là cái điều hết sức nguy hiểm đối với Việt Nam.

VOA: Thưa Tiến sĩ, theo lý thuyết thì khi mà đồng tiền của một nước, cụ thể là của Trung Quốc mà tăng giá như vậy, nó sẽ tăng đầu tư nước ngoài. Và có những bình luận cho rằng Trung Quốc trong trường hợp đó sẽ tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Và xu hướng đó nếu có diễn ra thì sẽ tốt trong cái gọi là đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, hay là không tốt?

TS Lê Đăng Doanh:
Hiện nay thì Trung Quốc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất khiêm tốn, ở vị trí khoảng độ xếp thứ 22, tức là một vị trí rất là thấp so với nhiều nền kinh tế khác. Trung Quốc đầu tư vào Lào và Campuchia nhiều hơn rất nhiều.

Gần đây ông Giáo sư Jing Huan của Đại học quốc gia Singapore đã nói thẳng trong một cuộc hội thảo ở Việt Nam là Trung Quốc đầu tư vào Campuchia và Lào là vì lý do chính trị chứ không phả vì lý do kinh tế. Và ông không đả động gì đến việc tại sao Trung Quốc đầu tư ít như vậy vào Việt Nam.

Tôi cũng nghĩ rằng với đồng tiền cao giá hơn, và Trung Quốc lại có khả năng tài chính dồi dào như vậy, thì có thể nó cũng sẽ nâng lên khả năng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam. Nhưng tôi không nghĩ rằng cái việc đó sẽ quá lớn, bởi vì nó nằm trong một ý đồ chính trị của Trung Quốc. Chúng ta hãy chờ xem.

VOA: Trong tình huống như vậy, thì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Việt Nam phải nên đi theo chiều hướng nào để đỡ bị ảnh hưởng nhất?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì trước hết phải hết sức thận trọng với việc chấp nhận đề nghị dùng đồng Nhân dân tệ và bản tệ để thanh toán. Có thể dùng ở mức độ hai bên tương đương với nhau thì được, rồi sau đó phần mình nhập siêu sẽ được trang trải bằng các đồng tiền khác.

Nếu như bây giờ toàn bộ số tiền mình nhập siêu từ Trung Quốc mà lại phải trang trải bằng Nhân dân tệ, thì mình lại chìa cổ ra để người ta xiết thêm một cái thòng lọng tín dụng, thì theo tôi hết sức là nguy hiểm, và điều đó cần phải cần tránh.

Tôi xin lưu ý là đồng tiền Việt Nam trong những năm vừa qua từ năm 2007 đến bây giờ đã mất giá trên thị trường nội địa là khá cao khoảng độ 34%. Trong khi đó đồng đôla, tuy có mất giá nhưng không mất giá cao như vậy.

Và việc điều chỉnh tỉ giá của Việt Nam, thì có điều chỉnh một số bước nhưng không phải là quá lớn, nên trong thực tế, đồng tiền Việt Nam vẫn cao giá hơn so với đồng đôla. Cho nên tôi nghĩ là sắp tới đây sẽ có khả năng đồng tiền Việt Nam sẽ được giảm giá với đồng đôla để cho nó phù hợp, và tương ứng như vậy thì đồng tiền Việt Nam cũng sẽ được điều chỉnh một mức tương ứng đối với đồng tiền Trung Quốc.

VOA: Thưa Tiến sĩ, Việt Nam có nên tách bớt việc neo chặt vào đồng đôla Mỹ để chuyển sang sử dụng một đồng tiền khác, trong đó có đồng tiền của Trung Quốc hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Cái ý đồ sẽ điều chỉnh tỉ giá của Việt Nam bằng một cái giỏ ngoại tệ đa dạng hơn, trong đó có đồng tiền của Trung Quốc, đồng yen của Nhật Bản, và có đồng euro, và ý đồ đó đã được dự kiến từ lâu, và tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiến theo cái hướng đó, và việc thực thi thì còn phụ thuộc nhiều vào khả năng thực tế.

Còn nếu Việt Nam chấp nhận kiến nghị của phía Trung Quốc thì có thể sẽ phải ký kết để tránh một gánh nặng nợ nần.