Giới quan sát cho rằng chính quyền Hà Nội “vẫn đang tìm hiểu” chính sách đối ngoại của chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để định hướng các bước đi sắp tới trong quan hệ với Washington.
Với những tuyên bố ít ỏi liên quan tới Việt Nam của ông Trump, việc tìm hiểu và đánh giá của Hà Nội sẽ không phải dễ dàng, theo các chuyên gia.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, nói với VOA Việt Ngữ:
“Theo tôi, bây giờ, hầu như tất cả các nước đều vẫn đang tìm cách có được thông tin cũng như là dự đoán và giải mã cách tiếp cận của ông Trump đối với các vấn đề thế giới nói chung và quốc gia của mình nói riêng. Tuy nhiên, mọi dự đoán vẫn chỉ là dự đoán mà thôi. Chúng ta vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định những dự đoán đấy. Có lẽ vẫn cần thời gian để các chính sách của ông Trump định hình. Và điều đầu tiên chúng ta phải biết đội ngũ nhân sự, đặc biệt là vị trí ngoại trưởng của ông Trump là ai. Việt Nam tôi nghĩ cũng ở trong tình huống như vậy và đấy cũng là điều dễ hiểu”.
Hồi tháng Chín vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã quyết định không đưa việc cân nhắc thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, vào nghị trình để đợi đến sau khi cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ kết thúc.
Nay, với việc ông Trump thắng cử và từng tuyên bố sẽ rút Mỹ, một đối tác thương mại lớn của Việt Nam, khỏi TPP, kỳ vọng của Hà Nội về thỏa thuận này dường như xa vời, theo giới quan sát.
Còn về mối quan hệ tổng thể nói chung giữa Hà Nội và Washington, tiến sĩ Hiệp nói thêm:
“Tôi cũng như một số nhà quan sát khác tin rằng quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chịu nhiều chi phối của các yếu tố cấu trúc và động lực của quan hệ song phương nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì trong thời gian tới, đó là chưa kể những thông tin nói rằng giữa lưỡng đảng của Hoa Kỳ là Dân chủ và Cộng hòa không đạt được nhận thức chung hay đồng thuận rằng cần phải tiếp tục, phát triển hơn nữa quan hệ song phương. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng không nên quá lo lắng. Có thể có một số các cái thay đổi, ví dụ như Mỹ rút ra khỏi TPP chẳng hạn, thì nó có thể ảnh hưởng ít nhiều tới quan hệ song phương, nhưng về tổng thể, tôi tin rằng quan hệ song phương vẫn tiếp tục phát triển”.
Tuy vậy, trong một bài bình luận viết trên tờ ‘The Straits Times’ tháng trước, tiến sĩ Hiệp viết rằng Hà Nội cần “khôn ngoan chuẩn bị cho tình thế xấu nhất” khi mối quan hệ với Washington “mất đà”, và trong tình thế đó Việt Nam “sẽ cần phải hướng tới các đối tác kinh tế và chiến lược như ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên hiệp châu Âu”.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump chủ yếu nêu tên Việt Nam khi nói tới chuyện việc làm của người Mỹ rơi vào tay công nhân các nước khác.
Ngoài TPP, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam theo dõi động thái của chính quyền của Tổng thống tân cử Trump đối với biển Đông. Trong một động thái gây bất bình cho Trung Quốc, người đánh bại bà Hillary Clinton mới đây đã gián tiếp chỉ trích các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Ông Renato de Castro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, hiện nghiên cứu ở Washington DC, cho rằng với những tuyên bố cứng rắn gần đây của ông Trump đối với Bắc Kinh nhất là vấn đề tranh chấp biển Đông và quan hệ với Đài Loan, có thể thấy rằng Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ “dùng sức mạnh để đương đầu với Trung Quốc”.
Ông nói thêm với VOA Việt Ngữ:
“Căng thẳng sẽ dâng cao, và sẽ có thêm đối đầu. Nhưng tôi hy vọng rằng nó sẽ không dẫn tới sự đối đầu thẳng thừng về mặt chiến lược. Chúng ta đã thấy những gì chính quyền Trump đã thể hiện về việc Hoa Kỳ sẽ duy trì chính sách và hòa bình ở khu vực thông qua sức mạnh”.
Dù theo đánh giá của các nhà quan sát, hiện vẫn chưa rõ chính sách của ông Trump đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, phát biểu tại một cơ quan nghiên cứu về chính sách công ở thủ đô Washington DC mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh bày tỏ lạc quan rằng mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục phát triển.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở thủ đô Washington nói thêm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với tân chính quyền Mỹ để củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện một cách thực tiễn, lâu dài và bền vững.
Ông Vinh cũng hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ tới thăm Việt Nam và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC, mà Việt Nam sẽ tổ chức vào năm sau.