Đường dẫn truy cập

Donald Trump: Các nhà tư bản Hoa Kỳ phải lựa chọn


Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Mặc dù cho đến ngày 20/1/2017 tới đây, Tổng thống tân cử Donald Trump của Hoa Kỳ mới tuyên thệ nhậm chức, nhưng qua việc chuẩn bị nhân sự cho nội các và các chức vụ quan yếu khác trong guồng máy hành pháp, cũng như những lời tuyên bố đó đây của ông về chủ trương chính sách đối nội, đối ngoại, đã cho thấy quyết tâm thực hiện nhiều điều được ông hứa hẹn trong thời gian tranh cử. Về mặt đối ngoại, trên lãnh vực kinh tế dường như ông Donald Trump đang nỗ lực chuẩn bị thực hiện chủ trương dành ưu tiên cho kinh tế đối nội bằng chính sách bảo vệ sản xuất và mậu dịch trong nước.

Trong chiến dịch kéo dài nhiều ngày qua để chuẩn bị vào Tòa Bạch Ốc, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ hạn chế sự ra đi của các công ty và sẽ mang trở lại những công việc đã bị chuyển ra nước ngoài. Ngày 4/12, ông cảnh báo nghiêm khắc các doanh nghiệp Mỹ rằng nếu họ chuyển hoạt động ra nước ngoài họ sẽ phải đối mặt với thuế suất 35% nếu sau đó họ tìm cách bán sản phẩm của họ trở lại Hoa Kỳ.

Sử dụng Twitter, ông Trump loan báo đã có kế hoạch "giảm đáng kể" thuế và các quy định đối với doanh nghiệp. Nhưng ông cảnh báo rằng bất cứ công ty nào "sa thải nhân viên, xây dựng một cơ xưởng mới" ở một quốc gia khác "và sau đó nghĩ rằng họ sẽ bán sản phẩm trở lại vào Hoa Kỳ mà không bị trả đũa hoặc gặp hậu quả gì thì họ nghĩ sai rồi!"; và rằng "Quý vị hãy lưu ý đến lời cảnh báo này trước khi mắc một sai lầm đắt giá!..."

Mới đây, ông Trump đã nói với ông Tim Cook, Tổng giám đốc điều hành của Apple, rằng ông muốn tập đoàn sản xuất iPhone lập nhà máy ngay tại Hoa Kỳ. Sau đó trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times hôm 23/11/2016 ông nói sẽ đưa ra các chính sách về thuế có lợi để Apple "xây một hoặc nhiều nhà máy lớn ở Mỹ" thay vì sản xuất sản phẩm ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, theo dữ liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), công ty Apple đã lập chi nhánh tại Việt Nam cuối năm ngoái với số vốn 15 tỷ đồng. Trong khi thống kê của Hoa Kỳ cho hay từ năm 2000 Mỹ đã mất khoảng 5 triệu việc làm trong ngành chế tạo. Nguyên nhân một phần là vì tự động hóa và một phần vì các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ngoài nơi các chủ công ty trả lương công nhân thấp hơn nhiều so với mức họ đã trả ở Hoa Kỳ.

Như vậy là Tổng thống đắc cử Donal Trump đã đặt các nhà tư bản và các công ty Hoa Kỳ trước một sự lựa chọn:

Một là, chọn con đường đầu tư lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước. Nghĩa là chấp nhận chi phí nhiều hơn cho lương bổng và thực thi nghiêm túc các quy định bảo vệ an toàn và quyền lợi của người lao động, dẫn đến giá bán sản phẩm cao, rất khó cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của các nước khác trên thị trường quốc tế. Hệ quả là hàng hóa có bán được trong nước cũng như hải ngoại số lượng không nhiều, lợi nhuận ắt sẽ thấp hơn nhiều so với công cuộc làm ăn mở rộng sản xuất và mậu dịch tại các nước có nhân công rẻ, chi phí thấp, giá sản phẩm rẻ.

Thế nhưng, nếu các nhà tư bản lựa chọn con đường này, để bù lại, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ đưa ra chính sách ưu đãi về thuế khóa, "giảm đáng kể thuế" và các quy định thuận lợi khác cho doanh nghiệp để bảo đảm vẫn có lời, chỉ có lời ít hay lời nhiều mà thôi.

Hai là tiếp tục con đường đầu tư cơ sở sản xuất ở nước ngoài như bao lâu nay, với lương công nhân thấp và các chính sách bảo hộ người lao động dễ dãi, giá thành sản phẩm thấp, thị trường mở rộng, bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn là sản xuất tại Hoa Kỳ bán cho thị trường trong nước và các nước ngoài với mãi lực cạnh tranh thấp.

Thế nhưng, nếu tiếp tục con đường này, thì như Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cảnh báo là các biện pháp chế tài có thể được áp dụng, như đánh thuế thật cao để thúc ép các nhà tư bản phải đưa các cơ sở sản xuất kinh doanh trở về trong nước. Những biện pháp này là áp dụng thuế suất cao tới 35% nếu sau đó các công ty cố gắng bán sản phẩm của họ trở lại ở Hoa Kỳ, có thể dẫn đến việc sản phẩm ít bán được vì giá cao. Đó là chưa kể biện pháp đánh thuế lợi tức cao đối với tiền lời do đầu tư bên ngoài khi chuyển về nước.

Tựu trung, Tổng thống tân cử Donald Trump dường như đang đặt các nhà tư bản và các công ty Hoa Kỳ phải lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và tập đoàn (lợi nhuận cao…) với lợi ích cho các công nhân (có nhiều công ăn việc làm…) và lợi ích quốc gia (giải quyết được vấn đề thất nghiệp, xã hội an toàn hơn…).

Đó là một sự lựa chọn tuy khó khăn, nhưng theo thiển ý chúng tôi tin là hoàn toàn có thể thực hiện được, chỉ cần các nhà tư bản và các công ty chấp nhận số lời ít hơn ở mức mà hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đình trệ, để đem công ăn việc làm vào trong nước cho người lao động chiếm số đông trong xã hội. Bởi vì thực ra mà nói lợi nhuận mà các nhà tư bản thường quá dư thừa sau khi đã thỏa mãn tối đa mọi nhu cầu của cuộc sống. Số của cải dư thừa khi chết cũng không thể mang theo, thì việc giảm bớt tiền lời mà đem lại cho nhiều người lao động một đời sống ấm no, hạnh phúc, góp phần vào trật tự an toàn xã hội, là điều các nhà bản Hoa Kỳ nên làm và có thể làm được.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Thiện Ý

    Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston. Các bài viết của Thiện Ý là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG