Việt Nam tìm cách khởi động lại các dự án điện hạt nhân

Công nhân phân loại than tại một nhà máy chế biến than ở mỏ than lộ thiên Cốc 6 ở thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào than và thủy điện để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

Chính phủ Việt Nam cho biết họ muốn khởi động lại các kế hoạch điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng cao của đất nước sau khi hủy bỏ hai dự án trị giá hàng tỷ đô la vào năm 2016.

Là một quốc gia đang công nghiệp hóa nhanh chóng, với dân số 100 triệu người, Việt Nam chủ yếu dựa vào than và thủy điện để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của mình.

Mặc dù phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, quốc gia cộng sản này đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, được hỗ trợ bởi cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng – trong đó các quốc gia giàu có hơn giúp các nước đang phát triển chuyển sang năng lượng sạch nhanh hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 12/11 phát biểu trước Quốc hội tại Hà Nội rằng chính phủ của ông đã đề xuất với các cơ quan chức năng tái khởi động lại các dự án điện hạt nhân.

Ông cho biết điều này là để "đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững" trong dài hạn.

"Nếu chúng ta đặt mục tiêu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, nhu cầu điện sẽ tăng gấp 1,5 lần", ông Chính nói.

Vào cuối năm 2016, Việt Nam đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân trị giá hàng tỷ đô la, với lý do về môi trường và tài chính. Các dự án được lên kế hoạch là những nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Đông Nam Á nhưng đã bị dừng lại sau khi ước tính chi phí tăng gấp đôi lên 18 tỷ USD.

Vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam cho biết “dự án bị đình chỉ không phải vì lý do công nghệ, mà là vì tình hình kinh tế hiện tại của đất nước."

Hai nhà máy ở tỉnh Ninh Thuận, thuộc miền trung Việt Nam, với tổng công suất 4.000 megawatt sẽ được xây dựng với sự hỗ trợ của tập đoàn nhà nước Nga Rosatom và tập đoàn Nhật Bản JINED.