Đường dẫn truy cập

Nga đề nghị giúp Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân


Tổng thống Vladimir Putin (trái) họp với Tổng Giám đốc Rosatom Alexei Likhachev (giữa) và Giám đốc IAEA Rafael Grossi tại Sochi ngày 6/3/2024. Ông Likhachev cho biết Nga đã đề nghị giúp Việt Nam phát triển các nhà máy điện hạt nhân khi ông Putin thăm Hà Nội.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) họp với Tổng Giám đốc Rosatom Alexei Likhachev (giữa) và Giám đốc IAEA Rafael Grossi tại Sochi ngày 6/3/2024. Ông Likhachev cho biết Nga đã đề nghị giúp Việt Nam phát triển các nhà máy điện hạt nhân khi ông Putin thăm Hà Nội.

Nga đề nghị giúp Việt Nam phát triển các nhà máy điện hạt nhân trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Vladimir Putin, theo người đứng đầu tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom, Alexei Likhachev, được Reuters và NucNet trích lời cho biết.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh và mạng lưới thông tin độc lập về ngành hạt nhân toàn cầu, ông Alexei Likhachev, tổng giám đốc Rosatom, tiết lộ những thông tin trên trong bài phát biểu được hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti công bố hôm 24/6.

Ông Likhachev, một thành viên trong đoàn tháp tùng Tổng thống Putin trong chuyến thăm Việt Nam tuần trước, cho biết chính ông đã đưa ra đề nghị trên với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

“Chúng tôi đã đưa ra tất cả các phương án hợp tác có thể có... trong cuộc trò chuyện của tôi với thủ tướng Việt Nam”, RIA dẫn lời ông Likhachev nói, theo Reuters và NucNet.

“Rosatom cung cấp cho các đối tác nước ngoài không chỉ các nhà máy điện hạt nhân công suất cao mà còn cả các nhà máy điện hạt nhân công suất thấp, cả ở dạng trên đất liền và trên mặt nước”, ông Likhachev nói thêm.

Bình luận của ông Likhachev được đưa ra khi hai nước ký bản ghi nhớ về lộ trình thực hiện dự án Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom và thảo luận về các lựa chọn cho các lò phản ứng mô-đun nhỏ ở nước này, theo Nucnet.

Việt Nam không có nhà máy điện hạt nhân. Quốc gia Đông Nam Á đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2016 sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản và do hạn chế về ngân sách.

Theo lời ông Likhachev, trước khi Việt Nam hủy bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy trên, Rosatom đã đề nghị Hà Nội một dự án dựa trên các tổ máy công suất lớn với các lò phản ứng tiên tiến của Nga.

Nga đang tìm cách xây dựng quan hệ thương mại và quốc phòng với Việt Nam, bao gồm các dự án liên quan trực tiếp đến “lĩnh vực năng lượng và khí đốt”, trong lúc ông Putin hướng sang châu Á sau khi Nga hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt quốc tế vì xâm lược Ukraine.

Nga và Việt Nam đã ký 11 văn kiện hợp tác, trong đó nổi bật là những hợp tác về năng lượng, sau cuộc hội đàm của ông Putin với Chủ tịch nước Tô Lâm hôm 20/6.

Theo Báo Chính phủ, tại buổi tiếp ông Likhachev hôm 19/6, ông Chính cho biết “Việt Nam chưa có chủ trương quay lại phát triển điện hạt nhân nhưng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét năng lượng hạt nhân như một giải pháp quan trọng trong thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển đất nước.”

Nhận định với Tuổi Trẻ hôm 21/6, TS Bùi Minh Tuấn, cựu lưu học sinh Đại học ITMO Saint Petersburg của Nga, cho rằng khó có thể có chủ trương phát triển điện hạt nhân trong thời gian ngắn.

"Trước mắt nên tập trung phát triển Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân và hợp tác cung ứng nguyên liệu, công nghệ cho các công ty chiếu xạ nông sản,” ông Tuấn nói. “Khoảng cách địa lý ảnh hưởng tới khả năng hậu cần giữa hai nước, vì vậy cần phát triển mạnh mẽ hạ tầng hậu cần giữa vùng Viễn Đông Nga với các cảng Việt Nam.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG