Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã không chịu cúi đầu trước áp lực của phương Tây và rằng mối quan hệ Mỹ-Việt "vẫn gặp những trở ngại" sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người được Hà Nội trải thảm đỏ đón tiếp đón dù bị Mỹ và phương Tây cô lập.
Ông Putin kết thúc chuyến thăm Việt Nam hôm 20/6, trong đó ông và Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm cam kết “không tham gia liên minh với bên thứ ba để làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lạnh thổ của nhau.”
Việt Nam không bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết do Mỹ dẫn đầu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
“Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ vào cuối tuần trước nhưng đầu tuần trước đã cử một Thứ trưởng Ngoại giao tham dự cuộc họp BRICS tại Nga,” tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói trong một bài xã luận đưa nga hôm 21/6, với tựa đề “Washington không thể ngăn cản sự tiến bộ không ngừng của hợp tác Nga-Việt.”
Điều này, theo tờ báo tiếng Anh chuyên bình luận về các vấn đề quốc tế từ góc độ chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, “phản ánh rằng Việt Nam không chịu cúi đầu trước áp lực của phương Tây.”
Bất chấp việc ông Putin bị Mỹ và các nước đồng minh lên án và bị Tòa án Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ, Việt Nam đã đón tiếp nhà lãnh đạo Nga bằng 21 phát đại bác và tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.
Việc đón tiếp ông Putin trong bối cảnh Nga bị Mỹ và các nước phương Tây tẩy chay và cô lập được cho là sẽ mang đến những lợi ích lẫn rủi ro cho các nhà lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 21/6 kêu gọi Việt Nam ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sau chuyến thăm của ông Putin, người ngay trước đó đến Triều Tiên và cùng Chủ tịch Kim Jong Un ký kết một kiệp ước phòng thủ chung.
Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội trước đó đã phản đối việc dành cho ông Putin một diễn đàn để bảo vệ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, khi chuyến thăm được xem là một sự thách thức của ông Putin đối với phương Tây.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink, chuyên đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã lặp lại những lo ngại đó khi tới thăm Hà Nội ngay sau khi ông Putin rời đi, theo AP. Ông Kritenbrink được hãng tin Mỹ trích lời nói hôm 22/6 rằng “chỉ có Việt Nam mới có thể quyết định các tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy lợi ích của mình.”
Ông Putin vừa gửi thư cảm ơn đến các lãnh đạo Việt Nam vì đã đón tiếp ông nồng hậu và thể hiện lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước khi đến Hà Nội, ông Putin ca ngợi lập trường này của Việt Nam trong một bài viết đăng trên tờ Nhân Dân.
Nga là đồng minh thân cận của Việt Nam từ thời Xô Viết, nước đã cung cấp phần lớn vũ khí cho quốc gia Đông Nam Á để chống lại Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nga cũng tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979.
Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết rằng “nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, chí tình mà nhân dân Nga đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập” của họ.
Trước ông Putin, Việt Nam đã đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh Hà Nội tìm cách cân bằng mối quan hệ với các cường quốc đang có xung đột với nhau. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao mềm dẻo kiểu “cây tre” trong việc đa dạng hóa và đa phương hóa mối quan hệ với các nước trên thế giới, khi duy trì tình hữu hảo với cả Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc – thị trường nhập khẩu hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á, và Nga – nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Hà Nội.
Trong bài viết được Nhân Dân đăng tải vài giờ trước khi đến Hà Nội hôm 21/6, ông Putin đã ca ngợi việc Việt Nam "theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập" và "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau."
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 21/6 nói rằng mối quan hệ đối tác được nâng cấp của Mỹ với Việt Nam không yêu cầu Hà Nội phải cắt đứt quan hệ với Nga hay Trung Quốc, theo Reuters. Trong khi đó, vẫn theo hãng tin Anh, một người phát ngôn của Liên minh châu Âu tại Hà Nội cho rằng Việt Nam có quyền xây dựng chính sách đối ngoại của riêng mình, nhưng nói rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine chứng tỏ Moscow không tôn trọng luật pháp quốc tế.
“Tất cả những dấu hiệu cho thấy việc tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ Mỹ-Việt vẫn gặp phải những trở ngại,” tờ Hoàn cầu Thời báo viết. “Washington phải xử lý quan hệ Mỹ-Việt hết sức thận trọng.”
Tờ báo cho rằng, với việc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ thúc đẩy, Hoa Kỳ “có thể sẽ kiềm chế thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Việt Nam bất chấp sự không hài lòng với việc Việt Nam tiếp đón nồng nhiệt ông Putin và sự tiến bộ liên tục của hợp tác Nga-Việt.”
Trong chuyến thăm được xem là để tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, kiên cường và thịnh vượng, ông Kritenbrink nói rằng Mỹ tôn trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam liên quan tới Nga và “hoàn toàn dốc sức” cho tương lai chung của Hoa Kỳ và Việt Nam.
Diễn đàn