Việt Nam vẫn tiếp tục chờ đợi diễn biến ở chính trường Mỹ và cùng các nước trong khu vực bàn bạc về tương lai của Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương nếu Mỹ rút.
Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nói như vậy với các phóng viên hôm 22/11. Truyền thông trong nước dẫn lời ông Phúc nói tại một cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp vừa qua của Quốc Hội rằng: “Ông Trump chưa chính thức trao đổi với phía Việt Nam; bên cạnh đó quá trình vận động bầu cử và sau khi đắc cử vẫn có sự thay đổi nên chúng tôi vẫn chờ đợi.”
Đầu tuần này, tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại tự do được 12 nước trong vành đai Thái Bình Dương ký kết cuối năm ngoái sau hơn 5 năm thương thảo. Ngay sau tuyên bố của ông Trump, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng TPP sẽ không còn ý nghĩa gì nếu không có Mỹ. Trước đó quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn TPP với mong muốn điều đó sẽ làm ông Trump thay đổi.
Hôm 15/11, Quốc hội New Zealand cũng đã thông qua TPP và cho phép chính phủ nước này tham gia vào hiệp định gói gọn 40% thương mại toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại Todd McClay được Radio New Zealand trích lời nói dù có những rào cản nhưng New Zealand sẽ cho chính phủ mới của Mỹ thời gian để hoàn toàn xem xét nghị trình thương mại.
TPP phải có ít nhất 6 thành viên phê chuẩn và phải chiếm ít nhất 80% lượng GDP của khối. Với việc Mỹ chiếm 65% GDP của toàn khối, TPP sẽ không có hiệu lực nếu Mỹ không tham gia. Do đó, sau khi ông Trump tuyên bố rút lui khỏi hiệp định này, các thành viên đã ký kết TPP đang có các bất đồng về việc liệu có nên xúc tiến hiệp định thương mại này mà không có sự tham gia của Mỹ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 23/11 cũng đã bày tỏ sự thất vọng trước việc ông Trump rút Mỹ ra khỏi TPP.
Australia, một thành viên tham gia TPP, cũng đang cân nhắc một hiệp định thương mại không có Mỹ. Đầu tuần này, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói ông hy vọng ông Trump sẽ thay đổi ý định và ủng hộ TPP hoặc hiệp định này sẽ được duy trì dưới một dạng nào đó theo ý của tổng thống kế tiếp của Mỹ.
Việt Nam được coi là nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP nếu được thông qua. Theo đánh giá của các kinh tế gia, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 5.4% - tương đương với $6.1 tỷ đô la.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được VNExpress trích lời nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 22/11 rằng: “Việt Nam mong muốn tham gia TPP và đã rất nỗ lực.” Ông Phúc cho biết vừa qua có nước đã phê chuẩn hiệp định; với Việt Nam sau khi chủ tịch nước báo cáo kết quả tham dự Hội nghị APEC 2016 và cuộc gặp cấp cao TPP tại Peru, Quốc hội sẽ xem xét cụ thể vấn đề.
Chính phủ Việt Nam đã hoãn phê chuẩn TPP tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc tại Hà Nội vì muốn chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Cũng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và sẽ tiếp tục phát triển kinh tế. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã nói dù có TPP hay không thì các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, thuỷ sản và giầy dép sẽ tiếp tục giữ thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Your browser doesn’t support HTML5