Một chuyên gia Việt Nam nói việc Việt Nam ‘bỏ cuộc’ trong nỗ lực tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ tuyên bố không trình lên Quốc hội để thông qua hiệp định như dự kiến, là một ‘cơ hội vàng’ cho Trung Quốc.
Hôm 18/11, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, nhận định với VOA rằng nếu Hoa Kỳ để lại một “khoảng trống TPP” mà không có gì thay thế, chắc chắn Trung Quốc sẽ tận dụng “cơ hội vàng” này để thực hiện chiến lược đã rất thành công lâu nay trong việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam:
“Nếu TPP không được thực hiện, đấy là một cơ hội vàng của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tất cả những nỗ lực của mình để mở rộng ảnh hưởng đối với khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Nếu Hoa Kỳ để lại một khoảng trống với TPP, và khoảng trống đó chưa có ai kịp thời trám vào thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng dùng tất cả tiềm lực và khả năng của mình để làm việc đó. Đấy là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam vì Việt Nam hiện nay đã nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc”.
Các chuyên gia quốc tế cho hay sau khi TPP bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự hiện nay của Mỹ, Bắc Kinh đang ra sức để xúc tiến các hiệp định thương mại tiềm năng để cạnh tranh với TPP, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Nhưng các chuyên gia cho rằng hiệp định do Trung Quốc khởi xướng không hấp dẫn các nước bằng TPP.
Trong khi đó, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác cũng đang bắt đầu ngay vào việc tạo ra thỏa thuận thương mại mới khác mà không có sự hiện diện của Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn cho chính phủ Việt Nam, nói bà vẫn rất hy vọng Nhật Bản cùng các nước thành viên khác sẽ quyết tâm để thực hiện TPP cho dù số phận của TPP là “rất mong manh” tại Mỹ:
“Các nước khác thành viên của TPP cũng như Việt Nam đều không mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng bây giờ, Nhật Bản cũng đã thông qua TPP rồi. Tôi nghĩ với việc Nhật Bản đã thông qua TPP thì họ cũng có thể mong muốn thương lượng với các nước thành viên khác và có thể cùng nhau thực hiện TPP như chưa có Hoa Kỳ. Cũng vẫn có thể dựa trên những gì các nước đã đàm phán, đã cam kết với nhau trong suốt 5 năm đàm phán vừa qua và cũng thấy rõ lợi ích để có thể quan hệ kinh tế với nhau, để có thể tiếp tục chăng? Thực sự tôi cũng rất hy vọng điều đó. Nếu như các nước khác cũng có đủ quyết tâm tham gia cùng với Nhật Bản thì tôi nghĩ Việt Nam cũng vậy. Bởi vì lợi ích kinh tế và các mặt của TPP đối với Việt Nam là rất rõ".
Việt Nam hôm 5/11 đã ban hành Nghị quyết trung ương 4 về hội nhập quốc tế, trong đó đề cập đến việc đa dạng hóa, đa phương hóa nền kinh tế để không bị phụ thuộc vào một nền kinh tế riêng lẻ nào để tránh tăng rủi ro trên nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế nói chắc chắn Việt Nam sẽ phải sắp xếp lại các quan hệ kinh tế với các nước để tránh ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc lên nền kinh tế Việt Nam. Một trong những nỗ lực hiện nay của Việt Nam là thúc đẩy các hiệp định đối tác thương mại với các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo bà Phạm Chi Lan, dù có hay không có TPP, Việt Nam vẫn phải cố gắng tìm mọi cách thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc:
“Trong thời gian qua cũng đã thấy xuất hiện chiều hướng ví dụ như Trung Quốc có thể lợi dụng Việt Nam là thành viên của các hiệp định này khác để qua con đường của Việt Nam để xuất khẩu hàng Trung Quốc đi. Những cái đó, với TPP dù có hay không, thì Việt Nam cũng phải cố gắng để tránh điều đó".
Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc không có TPP chắc chắn sẽ có tác động lên xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam, nhưng ông cho rằng Việt Nam sẽ có các biện pháp khác để khắc phục điều này:
"Việt Nam cần phải tìm kiếm một thị trường xuất khẩu để có thể thay thế thị trường xuất khẩu rất to lớn của Hoa Kỳ. Thứ hai, Việt Nam đang rất cần vốn để đầu tư vào kết cấu hạ tầng và thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Nếu không có TPP, rất có thể luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm tốc độ. Lúc bấy giờ, Việt Nam sẽ phải nỗ lực để cải thiện các môi trường kinh doanh của Việt Nam".
TPP được xem là một đòn bẩy chính trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Nhưng khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử, hiệp định này đã bị đình chỉ không trình lên Quốc hội Hoa Kỳ.
Theo các đánh giá trước đây, nếu TPP thành công, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong hiệp định thương mại có sự tham gia của 12 quốc gia.