Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 17/11 nói trước quốc hội ông tin quan hệ Việt-Mỹ “sẽ tốt hơn”.
Thủ tướng Việt Nam phát biểu như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về việc chính phủ ứng phó thế nào khi Mỹ có tổng thống mới. Ông Phúc cũng cho biết Việt Nam “đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết” để tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, “tuy nhiên Mỹ tuyên bố dừng TPP nên Việt Nam chưa đủ cơ sở trình Quốc hội”.
Về quan hệ song phương, tin cho hay ông Phúc nói: “Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Chúng ta sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cùng nhau phát triển trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không làm phương hại lẫn nhau. Với tinh thần đó, tôi tin chắc thời gian đến quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ tốt hơn, vì lợi ích chung của hai nước”.
Nhận xét về cơ sở của lời phát biểu của Thủ tướng Phúc, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói với VOA:
“Tôi nghĩ rằng nhà nước Việt Nam chắc chắn cũng mong đợi Hoa Kỳ sẽ thực thi chính sách đối ngoại có thể không được như dưới thời chính quyền Obama nhưng vẫn có những cam kết với châu Á, cam kết với Đông Nam Á và vẫn cam kết hợp tác với Việt Nam ở những mức độ mà không những là chỉ củng cố mà phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Về phía nhân dân, rất nhiều người Việt Nam hy vọng rằng những gì mà ông Donald Trump trong tranh cử ông phát biểu thì khi ông trở thành tổng thống và nhận nhiệm sở Nhà Trắng, ông sẽ thực thi một đường lối thực tế hơn, chứ không phải là ông thực thi tất cả những gì như ông đã phát biểu”.
Trong cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam “có quan hệ với cả đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ ở Mỹ”. Về nền tảng của quan hệ hai nước, ông chỉ ra rằng “có 10 cơ chế quan hệ với chính quyền Mỹ về giáo dục, y tế, sông Mê Kông, rà phá bom mìn...”, và Việt Nam “sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế đó”.
Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao nói người dân Việt Nam hoan nghênh các chương trình đối tác, hợp tác kể trên. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng nhiều vào quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai nước. Ông nói:
“Những quan hệ đã gặt hái được những kết quả rất đáng khích lệ ở trong các lĩnh vực không chỉ là y tế, giáo dục mà kể cả trong quốc phòng. Nhân dân Việt Nam đánh giá rất cao. Và nó cũng tạo mong muốn cũng như hy vọng là nó được tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, mức độ phát triển, đặc biệt là quan hệ về an ninh quốc phòng nó phát triển đến mức độ nào thì tôi cũng không hy vọng nó sẽ phát triển thật tốt bởi lẽ đường lối đối ngoại về an ninh quốc phòng và chuyển trục sang châu Á của ông Donald Trump vẫn chưa rõ ràng. Cũng có một sự e ngại trong một số người Việt Nam rằng liệu có khả năng là vì chủ nghĩa dân túy và đồng thời thu hẹp chính sách đối ngoại toàn cầu, thì nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump sẽ xích gần lại với Trung Quốc, vì lợi ích kinh tế và nhượng bộ những hành vi xâm chiếm biển đảo cũng như vi phạm luật quốc tế ở Biển Đông hay không?”
Trong tiến trình chuyển giao chính quyền từ ông Obama sang tân Tổng thống Trump, có phần chắc Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius sẽ được thay thế bằng một đại sứ mới do ông Trump bổ nhiệm.
Tiến sỹ Giao nhận xét rằng Việt Nam dành tình cảm tốt đẹp cho ông Ted Osius vì ông thể hiện là người am hiểu văn hóa Việt Nam đồng thời có nhiều đóng góp vào việc phát triển quan hệ song phương. Nhận định về những yếu tố mà người kế nhiệm đại sứ Osius cần có, Tiến sỹ Giao nói:
“Điểm quan trọng nhất tôi nghĩ là cần ở ông đại sứ mới là ông ấy phải am hiểu văn hóa Việt Nam, và ông ấy cũng cần hiểu được cái hoàn cảnh đất nước Việt Nam hiện nay, cả về mặt chính trị cũng như các mặt xã hội, kinh tế và văn hóa, đặc biệt là mối quan tâm của người dân Việt Nam liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như phát triển kinh tế”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để dự báo về chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump. Ngay sau khi ông đắc cử, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Mỹ, nhận định với VOA rằng Việt Nam có phần chắc sẽ không ở vị trí ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ, và quan hệ giữa hai nước sẽ không nồng ấm hơn so với hiện nay.