Tôi muốn mọi người cùng biết người làm việc cho pháp luật nhà nước Việt Nam mà lại hành hung dân, để mọi người giúp tôi đòi lại một chút công bằngnguyễn công thủ
Nghị định 208/2013 bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 2 năm sau nói ‘tùy theo tính chất, mức độ vi phạm’, ‘người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực’ hoặc ‘nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ’ những ai có hành vi chống đối.
Nghị định ra đời giữa lúc ngày càng có nhiều vụ bị công an hành hung hay bị tử vong trong lúc bị công an câu lưu được phơi bày ra công luận qua các phương tiện truyền thông xã hội, khiến nhiều người lo ngại về khả năng leo thang bạo lực và đàn áp của lực lượng công quyền.
Bộ Công an nói thời gian qua, số vụ chống người thi hành công vụ không ngừng gia tăng.
Trong khi đó, nạn công an tra tấn, nhục hình, gây chết người vẫn tiếp tục bôi đen thành tích nhân quyền của Việt Nam.
Một ví dụ điển hình, ông Nguyễn Thanh Chấn, người vừa được tuyên bố vô tội sau 10 năm tù, tố cáo bị hành hạ-bức cung dẫn tới bản án oan chung thân về tội danh ‘giết người’.
Mới đây tờ Trí Việt 24h đăng tải hình ảnh một thanh niên tên Dương Văn Cao bị công an Thanh Trì (Hà Nội) đánh đập toàn thân tím tái, phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi được công an phóng thích vì không đủ bằng chứng buộc tội.
Tại phía Nam, một nạn nhân khác tên Nguyễn Công Thủ ở Cà Mau đưa lên các trang mạng xã hội hình ảnh, băng ghi âm, và hóa đơn bệnh viện, tố cáo bị Phó công an xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau) đánh đập ngay đồn công an hôm 18/12 khiến anh phải khâu 7 mũi trên mặt.
Anh Thủ cho biết vụ hành hung xảy ra sau khi anh từ chối đóng phạt hành chính 500 ngàn đồng vì công an không chịu ghi biên nhận.
Your browser doesn’t support HTML5
“Tôi muốn mọi người cùng biết người làm việc cho pháp luật nhà nước Việt Nam mà lại hành hung dân, để mọi người giúp tôi đòi lại một chút công bằng.”
Trả lời chúng tôi, Phó công an xã tên Tâm phủ nhận việc hành hung, nhưng nói rằng thương tích của anh Thủ là điều ‘ngoài ý muốn’:
“Cái tư cách nó không muốn hợp tác. Không, hành hung là không có. Nó không nộp phạt, nó bỏ về. Đằng này có xô nó vô, trúng vô cái cửa, chứ không có ai đánh nó hết. Xô vô chắc có thể trúng cái cửa hay gì đó, chứ đánh thì vụ đó không..không biết. Người trong cuộc, tôi thừa nhận tôi không có làm chuyện đó thành ra tôi không..không biết. Chuyện xảy ra có những cái ngoài ý muốn, rồi có những cái nó bị ràng buộc hoặc gì đó..Muốn thì xuống xác minh cho rõ, chứ bây giờ nói sao biết đường nói?”
Sau khi Việt Nam ký Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn hôm 7/11, tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn OMCT đã kêu gọi Hà Nội chứng tỏ trách nhiệm và thiện chí bảo vệ nhân quyền bằng hành động cụ thể hơn là những lời tuyên bố khoa trương.
Tổng Thư ký OMCT, ông Gerald Staberock, phát biểu với VOA Việt ngữ:
“Đáng quan ngại là nạn tra tấn ở Việt Nam thường được bưng kín và rất khó đưa ra ánh sáng. Quan ngại của chúng tôi đối với tình trạng tra tấn ở Việt Nam là nếu không có một xã hội dân sự độc lập có thể vào những nơi giam giữ để theo dõi, lập hồ sơ báo cáo thì chúng ta không bao giờ biết hết được bức tranh toàn cảnh thật sự như thế nào.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài VOA, luật sư Đặng Trọng Dũng thuộc Luật Sư Đoàn TPHCM nói Việt Nam tham gia rất nhiều công ước quốc tế nhưng thực tế vẫn ‘nói một đằng làm một nẻo’.