Đường dẫn truy cập

Việt Nam cam kết thăng tiến nhân quyền


Trong năm 2013, Việt Nam đã thay thế chỗ Iran trở thành nhà tù lớn thứ nhì trên toàn cầu giam cầm các cư dân mạng, chỉ sau Trung Quốc.
Trong năm 2013, Việt Nam đã thay thế chỗ Iran trở thành nhà tù lớn thứ nhì trên toàn cầu giam cầm các cư dân mạng, chỉ sau Trung Quốc.
Việt Nam hứa sẽ tiếp tục phát triển luật nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và các tự do căn bản của con người, đảm bảo luật quốc gia phù hợp với luật lệ tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, theo báo cáo của Việt Nam chuẩn bị trình bày tại phiên Kiểm Điểm nhân quyền Định kỳ Phổ quát (UPR) ở Liên hiệp quốc.

Báo cáo nói các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do thông tin tại Việt Nam đang được bảo đảm ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng.

Tờ Quân đội Nhân dân trích dẫn báo cáo rằng: ‘Tất cả các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới đều đến với người dân Việt Nam thông qua internet.’

Một ví dụ được Việt Nam dẫn chứng về việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận là dự thảo sửa đổi Hiến pháp được công bố công khai.

Chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế (tại Hội đồng Nhân quyền LHQ) rồi thì họ (Việt Nam) sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi vì họ sẽ cảm thấy thuận tiện đàn áp hơn nữa.
Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Vẫn theo nguồn tin này, báo cáo UPR của Việt Nam thừa nhận khuôn khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam ‘vẫn còn chưa đồng bộ, một số lĩnh vực chưa theo kịp với sự thay đổi của cuộc sống, và quá trình sửa đổi-bổ sung còn chậm’.

Việt Nam lâu nay là một trong những quốc gia bị chỉ trích nặng nề nhất trên thế giới về thành tích nhân quyền đặc biệt về các quyền tự do chính trị, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do thông tin báo chí.

Việt Nam vẫn liên tục bị giữ tên trong danh sách của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế về các nước không có tự do thông tin và ‘Kẻ thù của Internet’.

Theo khảo sát của Tổ chức Phóng viên Không biên giới, trong năm 2013, Việt Nam đã thế chỗ Iran trở thành nhà tù lớn thứ nhì trên toàn cầu giam cầm các cư dân mạng, chỉ sau Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay đã có 35 blogger bị bỏ tù tại Việt Nam với các bản án lên tới 13 năm vì các hoạt động ôn hòa cổ súy dân chủ-nhân quyền hay chỉ trích chính sách nhà nước.

Tháng rồi Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc giữa lúc những tai tiếng về vi phạm nhân quyền của Hà Nội không ngừng leo thang.

Báo nhà nước dẫn lời ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao, tại lễ công bố báo cáo UPR của Việt Nam hôm 3/12 ở Hà Nội nói rằng sau khi trở thành quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam sẽ có điều kiện đóng góp và học hỏi ‘những kinh nghiệm quốc tế phù hợp’ để thúc đẩy quyền con người.

Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Tuy nhiên, Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) gồm 178 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới tỏ ra hoài nghi về khả năng này.

Bà Julie Gromellon, đại diện FIDH tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nói với VOA Việt ngữ:

“Việt Nam đã không chứng tỏ những cam kết cải thiện nhân quyền trước khi trở thành thành viên của Hội đồng. Cho nên, chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế rồi thì họ sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi vì họ sẽ cảm thấy thuận tiện đàn áp hơn nữa một khi đã lọt được vào Hội đồng. Tôi không nghĩ thực trạng nhân quyền Việt Nam sẽ sớm có những thay đổi.”

Báo cáo nhân quyền của Việt Nam sẽ được trình bày tại phiên Kiểm điểm UPR vào tháng giêng năm sau cũng là lúc Việt Nam chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm trong ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG