Chính phủ Australia quyết định cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Chính phủ ở Canberra cũng đề nghị tham gia chiến dịch không kích của Mỹ nhắm vào các phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Iraq.
Thủ tướng Australia Tony Abbott trước đây đã mô tả Nga là một nước ỷ mạnh hiếp yếu vì những hành động của Moskova ở Ukraine. Hồi đầu tuần này, ông so sánh các phần tử cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq với một “tà đạo gây chết chóc.”
Chính quyền Abbott giờ đây đang chuẩn bị để phái cố vấn quân sự tới Ukraine, trong lúc máy bay Australia đã bắt đầu vận chuyển vũ khí cho các chiến binh người Kurd ở miền bắc Iraq. Các chiến đấu cơ Australia cũng đang sẵn sàng để tham gia chiến dịch oanh kích của Mỹ nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo, nếu cần.
Tuy nhiên, trong lúc vị thủ tướng thuộc phe bảo thủ theo đuổi một chính sách đối ngoại mang tính can thiệp nhiều hơn, một số người bày tỏ lo ngại là việc này có thể làm quân đội Australia bị “quá tải.”
Tuy quân số không nhiều, các lực lượng Australia có nguồn lực rất phong phú và năng lực hoạt động khá cao. Tuy nhiên, ông James Brown, một cựu sĩ quan Australia đang làm việc cho Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney, không tán đồng chính sách của Canberra về Đông Âu. Ông nói:
"Khó mà hiểu được tại sao một cuộc điều động lực lượng quân sự tới Ukraine lại phù hợp với quyền lợi quốc gia của Australia, trong khi như ông vừa nói, cách nay một tháng chúng ta không có đại diện ngoại giao ở đó. Tôi nghĩ rằng giờ đây có một mối nguy hiểm thực sự là ông Abbott lâm vào tình cảnh cam kết quá độ qua việc sử dụng lực lượng quân sự. Ông ấy lên nắm quyền với chủ trương theo đuổi một chính sách đối ngoại chú trọng tới Jakarta nhiều hơn là chú trọng tới Geneve. Bây giờ Australia lại đưa quân tới Ukraine cho một cuộc chiến tranh ở Âu châu. Australia cũng định đóng góp những lực lượng đáng kể cho vụ xung đột ở Iraq và Syria, và tất cả những việc này diễn ra trong lúc chúng ta vẫn còn những vấn đề trong khu vực của mình mà chúng ta có trách nhiệm phải đối phó nếu chúng bùng ra."
Danh sách mỗi lúc một dài của những cam kết quân sự đã đưa tới một cuộc tranh luận dai dẳng ở Thượng viện về vấn đề là những kế hoạch triển khai đó có cần tới sự chấp thuận của quốc hội liên bang Úc hay không.
Thượng nghị sĩ Christine Milne, lãnh tụ Đảng Xanh, nói với các nhà lập pháp đồng viện rằng cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội dành cho bất kỳ cam kết quân sự nào ở nước ngồi, để ngăn chặn “sự dò dẫm sứ mạng.” Bà mượn mộ thí dụ là nỗ lực nhân đạo giúp người tỵ nạn ở Iraq đã biến thành một hoạt động quân sự mở rộng. Bà nói:
"Thủ tướng đang làm những việc mà chỉ có thể được mô tả là lệch lạc nhiệm vụ. Chúng ta đã bắt đầu với sự trợ giúp nhân đạo mà Đảng Xanh hoàn toàn ủng hộ, để thả dù nước uống, thức ăn và các phẩm vật khác cho những người đang hết sức cần được giúp đỡ. Thế rồi, lực lượng thực hiện nhiệm vụ này lại trở thành một lực lượng vận chuyển vũ khí tới miền bắc Iraq."
Sự dính líu mỗi ngày một nhiều của Australia vào những vụ khủng hoảng quốc tế phát xuất từ liên minh quân sự lâu đời với Hoa Kỳ, được hình thành từ những năm đầu của thập niên 1950. Các nhà phân tích cho rằng Canberra đã trở thành một trong những đối tác an ninh then chốt của Washington trong lúc các nước Tây phương tìm cách giải quyết những vụ khủng hoảng ở Đông Âu và Trung Đông.