Vatican chưa bầu được Giáo Hoàng

Khói đen bốc lên từ ông khói trên nóc nhà nguyện Sistine, chứng tỏ kết quả cuộc bỏ phiếu ngày đầu tiên chưa bầu được Giáo hoàng. Tân Giáo Hoàng phải được ít nhất 77 phiếu bầu trong số 115 Hồng Y dự mật nghị

Khói đen bốc lên từ Nhà nguyện Sistine hôm thứ Ba, chứng tỏ các Hồng Y Công Giáo La Ma không chọn được tân Giáo Hoàng trong lần bỏ phiếu đầu tiên tại phiên họp kín.

Hàng ngàn tín đồ tại Quảng trường Thánh Phê-rô thấy khói đen bốc lên và có nghĩa là 115 Hồng Y sẽ bỏ phiếu tiếp vào sáng thứ Tư.

Các Hồng Y sẽ vẫn cô lập sau những bức tường thời trung cổ của Vatican cho đến khi bầu được người kế vị Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô đã thoái vị hồi tháng trước.

Khi các Hồng Y đồng ý về một Giáo Hoàng mới, khói trắng sẽ bốc lên trên ống khói dựng tạm trên nóc Nhà nguyện và chuông Nhà thờ Thánh Phê-rô sẽ đổ hồi.

Những Hồng Y áo choàng đỏ tươi đi thành hàng vào Nhà nguyện dẫn đầu là những giáo sĩ cao cấp cầm thánh giá và đèn cầy, vừa đi vừa đọc Kinh Cầu Các Thánh truyền thống, khẩn nài xin được Đức Chúa Trời giúp đỡ trong việc chọn Giáo Hoàng kế tiếp.

Một khi đã vào bên trong Nhà nguyện, mỗi Hồng Y đều phải thề giữ bí mật, nếu không sẽ bị dứt phép thông công, không được tiết lộ điều gì về những cuộc thảo luận trong suốt thời gian mật nghị, có thể kéo dài vài ngày.

Các Hồng Y vào nhà nguyện Sistine


Hồng Y đoàn sẽ giữ cách biệt với thế giới bên ngoài cho đến khi một tân Giáo Hoàng được bầu.

Thế giới sẽ biết khi nào Giáo hội có một nhà lãnh đạo mới khi khói trắng bốc lên từ một ống khói đặt biệt được lắp đặt trên mái Nhà nguyện. Tân Giáo Hoàng phải được ít nhất 77 phiếu bầu trong số 115 Hồng Y có mặt- tức là được đa số hai phần ba bầu chọn. Hiện không có Hồng Y nào được ưa chuộng nhất.

Phát ngôn viên Vatican, Cha Thomas Rosica nói tiến trình bầu Giáo Hoàng là một tiến trình tâm linh.

“Vì tất cả những việc này liên hệ đến tâm linh và cầu nguyện. Tiến trình này có gốc rễ là thế gian nên có phần thế tục. Tuy nhiên đây là việc mang con người đến với Đức Chúa Trời. Và Giáo Hoàng là một vị Giáo chủ. Ngài là cầu nối mang mọi người đến với Đức Chúa Trời. Và do đó chúng tôi đang nỗ lực bầu một người nào đó sẽ là một cây cầu tốt và một người xây cầu.”

Cô Molly Silbernagel, một người Mỹ học tại Rome nói:

“Tôi là người Công Giáo và tôi suy nghĩ nhiều về việc này. Có rất nhiều lời đồn đại. Nhiều người nói tân Giáo Hoàng có thể là một người thích khoa học. Hiện có một Hồng Y vốn là một khoa học gia, làm rất nhiều việc về khoa học. Nhiều người nghĩ có thể Ngài là một ứng cử viên tốt vì Ngài sẽ kết nối sự cách biệt giữa Giáo hội và khoa học.”

Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô làm thế giới bất ngờ trong tháng qua, khi sau 8 năm, Ngài trở thành nhà lãnh đạo Giáo hội Công Giáo La Ma đầu tiên tự nguyện thoái vị trong vòng 600 năm qua.

Bầu chọn giáo hoàng mới