Đường dẫn truy cập

Vatican dựng ống khói chuẩn bị cho việc bầu Giáo Hoàng


Giới truyền thông tụ tập bên cạnh lò đốt tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican, 9/3/2013
Giới truyền thông tụ tập bên cạnh lò đốt tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican, 9/3/2013
Các công nhân Vatican dựng một ống khói trên nóc Nhà nguyện Sistine hôm thứ Bảy để sẵn sàng cho hội nghị các Hồng Y Công Giáo La Mã bầu người kế vị Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô.

Hội nghị các Hồng Y sẽ bắt đầu vào ngày thứ Ba tuần tới và các Hồng Y họp kín sẽ dùng ống khói để báo cho thế giới bên ngoài biết là đã chọn được một nhà lãnh đạo mới hay chưa—khói đen có nghĩa là chưa có quyết định và khói trắng báo tin có một Đức Giáo Hoàng mới.

Ống khói màu sét rỉ được gắn trên mái của Nhà nguyện có thể trông thấy được từ Quảng trường Thánh Phê-rô kế cận, nơi theo truyền thống có hàng ngàn giáo dân tụ tập để xem cuộc bỏ phiếu kín được tiến hành như thế nào.

Dù chưa có Hồng Y nào được ưa chuộng nhất nổi bật lên để lãnh đạo Giáo hội đang gặp khó khăn của 1,2 tỉ giáo dân, hội nghị các Hồng Y dự trù sẽ kết thúc trong vòng vài ngày.

Trong thế kỷ trước, chưa có hội nghị nào kéo dài hơn 5 ngày, nhiều hội nghị kết thúc trong vòng hai hay ba ngày. Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô được bầu trong vòng 24 giờ đồng hồ vào năm 2005 sau 4 vòng bỏ phiếu.



Tháng trước Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô làm cho cả thế giới bàng hoàng bằng quyết định thoái vị vì sức khỏe ngày càng suy yếu của Ngài. Việc này đã khiến cho Giáo hội Công Giáo La Mã phải triệu tập hội nghị các Hồng Y để bầu Giáo Hoàng mới. Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô là Đức Giáo Hoàng đầu tiên thoái vị trong vòng 6 thế kỷ qua.

Ngài để lại cho người kế vị nhiều khó khăn-gồm có những vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục dường như không bao giờ chấm dứt, đối nghịch và bất hòa bên trong bộ máy hành chánh Vatican, thiếu tu sĩ và sự lớn mạnh của chủ nghĩa thế tục tại những thành trì của Công Giáo ở châu Âu.



Bên trong Nhà nguyện, các công nhân chuẩn bị lần cuối cùng để Nhà nguyện, một những nơi nổi tiếng nhất thế giới, sẵn sàng cho hội nghị các Hồng Y bầu Giáo Hoàng.

Hai lò đốt được lắp đặt nối liền với một ống khói thông lên nóc. Một lò đốt làm bằng gang và được sử dụng trong các đại hội Hồng Y kể từ năm 1939, sẽ được dùng để đốt phiếu bầu.

Lò thứ hai là một lò điện tử với một chìa khóa, một nút bắt đầu màu đỏ và 7 đèn nhỏ báo hiệu nhiệt độ.

Những ngọn lửa sẽ được kích hoạt bằng điện tử bên trong lò để tỏa ra khói trắng hay khói đen.

Các công nhân hôm thứ Bảy cũng hoàn tất lần cuối cùng các dãy bàn được thiết kế đặc biệt để các Hồng Y ngồi đối diện với nhau dưới cái nhìn chăm chú của Đức Chúa Jesus trong Bức tranh khổng lồ về ngày Phán xét Cuối cùng của Michelangelo được vẽ trên tường phía sau bàn thờ.

Những Hồng Y có thể được bầu làm Giáo Hoàng

Hôm thứ Bảy gần 150 Hồng Y đội mũ đỏ họp hội nghị sơ khởi ngày thứ sáu, được biết dưới tên “tổng giáo đoàn” để thảo luận về những thách thức bủa vây Giáo hội và phác họa về những đặc tính lý tưởng của Giáo Hoàng mới.

115 Hồng Y - tất cả đều dưới 80 tuổi - sẽ vào Nhà nguyện Sistine vào ngày thứ Ba để bắt đầu tiến trình bỏ phiếu chính thức. Ngày đầu tiên sẽ có một cuộc bỏ phiếu, với 4 cuộc bỏ phiếu ngày kế tiếp cho đến khi có một Hồng Y được đa số hai phần ba tức là 77 phiếu bầu.

Tên của một số Hồng Y có thể trở thành Giáo Hoàng đã được các giới chức Giáo hội đề cập đến kể từ khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô thoái vị.

Trong số những Hồng Y được nhắc đến nhiều nhất có Hồng Y Angelo Scola, người Ý, Hồng Y Odilo Pedro Scherer người Brazil và Hồng Y Marc Ouellet người Canada. Hồng Y Mỹ Timothy Dolan hay Sean O’Malley cũng được đề cập đến.

Với đa số tín đồ Công Giáo hiện sống bên ngoài châu Âu, có áp lực ngày càng tăng về một Giáo Hoàng thuộc phần đất khác của thế giới.

Nhiều quan sát viên Vatican tin là một Giáo Hoàng người châu Mỹ La Tinh, châu Á hay châu Phi có thể mang chú ý đến sự nghèo khó của Nam Bán Cầu theo cùng phương thức như Đức Giáo Hoàng John Paul người Ba Lan đã soi sáng sự cách biệt Đông–Tây.

Đức Hồng Y Wilfrid Fox Napier của Nam Phi trong một cuộc phỏng vấn của báo La Stampa phát hành hôm thứ Bảy tuyên bố “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải có Đức Giáo Hoàng đến từ một nơi mà Giáo hội có tính cách năng động.”

Hồng Y Napier nói thêm “Tôi tin là việc chọn các ứng viên sẽ lâu hơn năm 2005.” Hồng Y Napier cũng được một số nơi cho rằng có thể trở thành Giáo Hoàng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG