Văn học hải ngoại (3): Phi tâm hóa

Văn học hải ngoại (3): Phi tâm hóa

Văn học hải ngoại không chết. Nhưng vị thế trung tâm của California thì bị sụp đổ.

Nói chung, văn học hiện đại, vốn dựa trên các hoạt động báo chí và xuất bản, bao giờ cũng gắn liền với một không gian nhất định: nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành, hiệu sách, sạp báo và thư viện. Tất cả các cơ sở ấy chỉ được phát triển mạnh mẽ trong môi trường đô thị nơi có mật độ dân số cao, tầng lớp thị dân đông đảo vừa có học vừa có tiền lại vừa có nhiều thì giờ rảnh để có thể trở thành những kẻ tiêu thụ các sản phẩm văn hóa, qua đó, văn học được thương mại hóa và việc viết lách trở thành một nghề và dần dần được chuyên nghiệp hóa.

Như vậy, lý do đầu tiên dẫn đến việc hình thành các trung tâm văn học là lý do kinh tế. Nhưng ngoài các lý do kinh tế, giới cầm bút còn có khuynh hướng tập trung vào các trung tâm văn học vì lý do xã hội nữa: trong công việc viết lách, không có gì quan trọng cho bằng hai yếu tố: thông tin và cảm hứng. Cả hai đều nảy nở từ sự tương tác và gần gũi. Nhưng việc các nhà văn và nhà thơ sống gần nhau, thường xuyên gặp gỡ, chuyện trò và trao đổi với nhau sẽ biến các trung tâm văn học thành các trung tâm văn hóa, yếu tố tạo nên sự hấp dẫn cho một địa phương.

Thời hiện đại, hầu như ở quốc gia nào cũng có một, hai trung tâm văn học như thế. Có khi trung tâm văn học đồng nhất với trung tâm chính trị và hành chính, nhưng nhiều hơn là các trung tâm thương mại. Có những trung tâm nổi lên ở tầm thế giới như thành phố Paris trong nửa đầu thế kỷ 20 đã trở thành nơi hội tụ của giới cầm bút không phải chỉ từ các thuộc địa hoặc cựu thuộc địa của Pháp mà còn từ rất nhiều quốc gia Âu châu và ngay cả từ Mỹ. Trong hai thập niên 1920 và 1930, nhiều nhà văn từ Anh và Mỹ đã sang Paris và xem Paris như một nguồn cảm hứng lớn cho việc sáng tạo của họ. Danh sách các nhà văn này rất dài. Chỉ kể vài tên tuổi tiêu biểu: Ernest Hemingway, Henry Miller, Henry James, Gertrude Stein, E. E. Cummings, F. Scott Fitzgerald, Harriet Beecher Stowe, Cole Porter, Theodore Dreiser, Edith Wharton và John Dos Passos, v.v...

Văn học hiện đại Việt Nam chủ yếu châu tuần chung quanh hai trung tâm chính: Sài Gòn và Hà Nội.

Trước năm 1945, Sài Gòn chủ yếu là trung tâm báo chí trong khi Hà Nội chiếm nhiều ưu thế hơn với tư cách là một trung tâm văn học. Các tờ báo và các nhà xuất bản văn học có uy tín đều nằm ở Hà Nội. Trong khi giới làm báo kéo về Sài Gòn thì giới làm văn học lại đổ xô ra Hà Nội.

Thời 1954-75, lúc đất nước bị chia đôi, mỗi nơi trở thành trung tâm của nửa nước. Ở miền Bắc, hầu hết giới cầm bút đều tập trung ở Hà Nội; ở miền Nam là Sài Gòn. Nhà văn Võ Phiến, sau khi xuất bản mấy tác phẩm đầu tay, cảm thấy tự tin để quyết tâm dấn thân hẳn vào con đường văn học, đã xin thuyên chuyển từ Bình Định vào Sài Gòn. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ khác, kẻ trước người sau, đều làm thế. Số lượng các cây bút bám trụ lâu dài ở các tỉnh lẻ rất hiếm, phần lớn thuộc giới làm thơ và kiếm sống bằng nghề dạy học.

Sau năm 1975, không còn hoài nghi gì nữa, California, đặc biệt là Nam California, đã dần dần nổi lên như một trung tâm của nền văn học hải ngoại. Đó là nơi tập trung nhiều người Việt nhất đồng thời cũng là nơi người Việt làm ăn buôn bán tấp nập và thành công nhất. Những cái “nhất” ấy là cơ hội thuận tiện cho việc thương mại hóa văn học bằng tiếng Việt. Hầu hết các tạp chí văn học lớn đều nằm ở Nam California, từ Văn đến Văn Học, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Khởi Hành, và Thế Kỷ 21. Số lượng các tạp chí tương đối có tầm vóc nằm ngoài California rất hiếm, và trừ Làng Văn ở Canada, đều yểu mệnh, có khi chỉ hoạt động yếu ớt được vài ba năm, kể cả tạp chí Việt ở Úc. Các nhà xuất bản cũng vậy, từ Văn Nghệ đến Thanh Văn, Văn Mới, Văn Khoa, Tân Thư, Đại Nam và Xuân Thu đều nằm ở California. Chỉ có một số ít nhà xuất bản lớn nằm ngoài California như An Tiêm (Pháp), Làng Văn (Canada), Cành Nam (Washington D.C.), v.v... Nhưng phần lớn đều nhờ đến một trung tâm phát hành chính là nhà Văn Nghệ ở California.

Chính vì thế, trong một thời gian dài, nói đến văn học hải ngoại, người ta nghĩ ngay đến California. California trở thành thủ đô của văn học Việt Nam hải ngoại.

Từ mấy năm nay, với sự suy tàn của văn hóa in biểu hiện qua việc đình bản của hầu hết các tạp chí và việc đóng cửa của hầu hết các nhà xuất bản cùng với việc thịnh phát của các tờ báo mạng, vị thế trung tâm hay thủ đô ấy biến mất.

Văn học Việt Nam hải ngoại chuyển sang một thời kỳ khác: Thời kỳ không có một trung tâm nào cả.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.