Trong bài trước, tôi có nêu lên một ghi nhận: văn học Việt Nam ở hải ngoại đang chuyển từ hình thức in theo lối truyền thống sang hình thức online.
Xin lưu ý là những thay đổi trong hình thức tồn tại, từ văn hóa in (print culture) sang văn hóa số (digital culture), từ trang giấy sang trang web, là một hiện tượng toàn cầu. Ở đâu cũng thế.
Cứ nhìn vào các tạp chí lớn bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, chẳng hạn. Hầu như tạp chí nào cũng có hai hình thức tồn tại: ấn bản in và ấn bản điện tử. Cả hai tồn tại song song với nhau. Thậm chí, ấn bản điện tử dần dần trở thành hình thức chính. Thư viện ở các đại học lớn trên thế giới càng ngày càng giảm mua các tạp chí in. Họ chỉ đặt mua các tạp chí điện tử. Chúng tiện lợi hơn hẳn: không tốn chỗ, không cần nhân viên quản lý, dễ tìm và nhất là, đa dạng. Trước, trừ một vài ngoại lệ, không có thư viện nào có thể đặt mua cả hàng ngàn tờ báo khác nhau. Bây giờ, trong không gian điện tử, con số đó có thể đạt được dễ dàng. Liên quan đến văn học nghệ thuật, những trung tâm báo điện tử như Project Muse hay Academic Search Primier chứa cả hàng mấy trăm tạp chí khác nhau. Người đọc tha hồ chọn.
Với sách cũng vậy. Nhìn vào thư mục ở các thư viện đại học, chúng ta sẽ thấy ngay là một vài năm gần đây, trong các đầu sách mới, số ấn bản điện tử càng ngày càng nhiều, có lẽ nhiều hơn hẳn các ấn bản in. Trên thị trường, bắt đầu từ đầu năm 2010, sách điện tử có khuynh hướng thắng thế sách in theo lối truyền thống. Doanh số của sách điện tử năm 2010 lên đến một tỉ Mỹ kim, và được dự đoán là có thể nhảy vọt lên ba tỉ trong vòng năm năm tới.
Có điều ở Tây phương, không ai vội đọc lời ai điếu cho văn hóa in. Người ta biết văn hóa in đang bị văn hóa điện tử cạnh tranh gay gắt. Nhưng ít người tin là văn hóa in sẽ cáo chung. Nó có thể hơi bị lép vế. Nhưng có lẽ còn lâu mới bị tận diệt.
Văn học Việt Nam ở hải ngoại thì khác. Báo mạng không phải chỉ là nguồn bổ sung mà có vẻ như một sự thay thế. Chưa phải là hoàn toàn. Nhưng ngày đó thế nào cũng đến. Tôi e là không lâu lắm đâu.
Tại sao văn hóa in ở cộng đồng người Việt hải ngoại lại xuống cấp nhanh đến như vậy?
Lý do đầu tiên, tôi nghĩ, là điều kiện xã hội: Cộng đồng chúng ta không đông, lại sống phân tán ở nhiều quốc gia khác nhau; ở mỗi quốc gia, lại phân tán ở nhiều thành phố khác nhau; ở mỗi thành phố, lại phân tán ở nhiều khu vực khác nhau. Sự phân tán ấy khiến, một mặt, về phương diện tâm lý, nhiệt tình chia sẻ và thưởng thức bị giảm sút; mặt khác, về phương diện kinh tế, phí phát hành rất cao, sách báo tự nhiên thành đắt hơn hẳn. Nhớ, những năm 1998-2001, tôi làm tờ Việt. Báo in ở Úc, cước phí gửi từ Úc sang Mỹ hay các quốc gia khác đắt gấp ba, bốn lần tiền in. Ngay cả khi nhóm chủ trương chịu lỗ thì giá bán của mỗi tờ báo cũng cao hơn giá báo bình thường ở địa phương.
Nhưng lý do thứ hai này, tôi cho là quan trọng hơn: văn hóa in chưa bén rễ sâu ở Việt Nam.
Văn học Việt Nam có lịch sử kéo dài cả ngàn năm. Nhưng tuyệt đại thời gian trong một ngàn năm ấy, văn học tồn tại chủ yếu dưới hình thức truyền khẩu. Chúng ta thường phân biệt văn học thành văn và văn học truyền khẩu. Nhưng nên nhớ: hầu hết những cái gọi là văn học thành văn ấy chỉ tồn tại dưới hình thức truyền khẩu. Do kỹ thuật in ấn lạc hậu, mức độ mù chữ cao, chính sách hạn chế việc kinh doanh sách báo của các triều đại phong kiến, xu hướng đô thị hóa chậm, và kinh tế nghèo, rất hiếm có tác phẩm văn học cổ điển nào được in lúc tác giả còn sống. Ngay một tác phẩm được coi là kiệt tác hàng đầu của văn học Việt Nam, nói theo chữ của Phạm Quỳnh, là “thánh thư” của cả dân tộc, Truyện Kiều, cũng chỉ được khắc bản in khá lâu sau khi tác giả đã qua đời. Hầu hết những gì chúng ta tìm thấy hôm nay trong kho tàng văn học cổ điển của Việt Nam đều chỉ hiện hữu dưới dạng viết tay, và chỉ được phổ biến bằng cách truyền miệng.
Văn hóa in ở Việt Nam chỉ thực sự manh nha từ cuối thế kỷ 19 và thực sự lớn mạnh từ thập niên 20, 30 của thế kỷ 20 với sự phổ cập của chữ quốc ngữ, xu hướng thương mại hóa và thành thị hóa, sự ra đời của tầng lớp thị dân và trí thức mới. Nhưng cái gọi là “lớn mạnh” ở đây không ngớt bị thử thách. Ngay sau thời kỳ phôi thai huy hoàng trong thập niên 1930 với nhóm Tự Lực văn đoàn, nhóm Tân Dân, phong trào Thơ Mới, tiểu thuyết lãng mạn và hiện thực làm nhiều độc giả say sưa thì chiến tranh bùng nổ. Sau đó, hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Sự phát triển của văn hóa in, và cùng với nó, văn hóa đọc, bị ngưng trệ. Số lượng ấn bản trên mỗi đầu sách sau này, do đó, không hề tăng hơn so với trước, thậm chí, còn tệ hơn. Thời 1930-45, mỗi đầu sách của Tự Lực văn đoàn in trung bình từ ba đến năm ngàn bản. Ở miền Nam thời 1954-75, cũng chỉ từ ba đến năm ngàn. Gần đây, dân số tăng vọt, gấp năm lần đầu thập niên 1930, số ấn bản cho mỗi đầu sách trung bình chỉ khoảng 1000, thậm chí, không tới 1000. Đã đành số đầu sách sau này nhiều hơn hẳn ngày trước, nhưng dù sao, con số ấn bản trung bình như vậy cũng cho thấy là thói quen đọc sách của người Việt không cao.
Không cao vì cái rễ văn hóa chưa sâu. Và vì chưa sâu nên nó rất dễ bị lung lay khi các điều kiện kinh tế xã hội trở thành khó khăn.
Tuy nhiên, khi nhận định như vậy, tôi không hoàn toàn bi quan. Có khi chính nhờ văn hóa in chưa sâu và chưa rộng như vậy nên chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi chuyển sang nền văn hóa điện tử. Có thể đó là lý do tại sao, chỉ trong vòng mấy năm, các tờ báo mạng đã có thể đánh bạt các tờ báo in theo lối truyền thống.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.