Đường dẫn truy cập

Văn học hải ngoại (1): từ giấy lên mạng


Văn học hải ngoại (1): từ giấy lên mạng
Văn học hải ngoại (1): từ giấy lên mạng

Nhìn vào sinh hoạt văn học hải ngoại những năm gần đây, người ta dễ có cảm tưởng đang chứng kiến một cơn hấp hối.

Chứng cứ ư? Đầy ra đấy! Các tạp chí văn học, từ Thơ (của Khế Iêm) đến Văn (của Mai Thảo và sau đó, Nguyễn Xuân Hoàng) và Văn Học (của Nguyễn Mộng Giác và sau đó, một số người khác, cuối cùng, Cao Xuân Huy), lần lượt đóng cửa. Tạp chí nào còn sống thì cũng sống một cách thoi thóp, ngắc ngoải, như một cố gắng cầm cự chứ không có chút sinh khí nào cả. Nhà xuất bản cũng thế, cũng theo nhau biến mất. Một vài nhà xuất bản còn lại chỉ hoạt động cầm chừng. Số lượng ấn bản cho mỗi đầu sách sút giảm trầm trọng: trước, khoảng 1000 - 1500 cuốn; sau, 500, bây giờ, trung bình 250. Các nhà sách cũng bị ảnh hưởng theo, nếu không đóng cửa hẳn thì cũng chuyển sang các dịch vụ khác, như bán băng nhạc hay phim ảnh, văn phòng phẩm, hay quà lưu niệm, v.v...

Nhìn giới cầm bút nổi tiếng hay tương đối nổi tiếng cũng không thấy có chút lạc quan gì cả. Hầu hết đều lớn tuổi. Và hầu hết đều ngưng sáng tác; hoặc nếu còn, chỉ sáng tác một cách uể oải, và, xin lỗi, ít khi hay.

Tất cả các sự kiện vừa nêu dễ gợi ấn tượng là văn học hải ngoại đã hoặc đang trở thành dĩ vãng. Đối diện với tình trạng ấy, nhiều người không khỏi ngậm ngùi. Đây đó, trong các buổi chuyện trò, tôi nghe rất nhiều những tiếng thở dài. Rất đỗi hiu hắt. Tự dưng làm nhớ mấy câu thơ tả cảnh chợ Tết của Nguyễn Khuyến ngày nào:

Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu, tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

Buồn. Tuy nhiên, theo tôi, còn quá sớm để viết lời ai điếu cho văn học hải ngoại. Nó không chết. Mà cũng không phải sắp chết. Nó chỉ chuyển đổi hình thức tồn tại: Từ hình thức in, nó chuyển sang hình thức mạng.

Trong khoảng một thập niên vừa qua, chúng ta mất đi tờ Văn, Văn Học, Tạp chí Thơ, tạp chí Việt, Thế Kỷ 21, v.v... Nhưng bù lại, chúng ta lại có một số tờ báo mạng chuyên về văn học nghệ thuật: Da Màu, Gió O, Tiền Vệ. Đó là chưa kể những tờ báo mạng khác tuy nặng về chính trị xã hội và văn hóa nhưng phần văn học cũng khá phong phú (như Talawas trước đây hay Diễn Đàn Thế Kỷ hiện nay). Và cũng chưa kể đến các website hay blog cá nhân của một số người cầm bút. Mà số này thì khá nhiều.

Trong các tờ báo mạng ấy, hai tờ Tiền Vệ và Da Màu cập nhật bài vở hằng ngày. Và hầu hết là bài vở mới. Có hai đặc điểm phân biệt Tiền Vệ và Da Màu với tất cả các tờ báo mạng văn học khác hiện nay, kể cả trong nước: Thứ nhất, bằng tiếng Việt, rất hiếm tờ báo nào có mức độ cập nhật thường xuyên và nhanh chóng như vậy; thứ hai, nếu có, hầu hết, nếu không muốn nói tất cả, đều chỉ cóp nhặt bài vở từ những nơi khác chứ hiếm khi có được những bài hoàn toàn mới, do chính tác giả gửi tới để chỉ đăng trên tờ báo ấy mà thôi. Chúng giống như những cửa hàng ký gửi các thứ đồ second-hand.

Là nhật báo văn học trên mạng, trung bình mỗi ngày Tiền Vệ cho đăng từ 4 đến 6 tác phẩm hoặc chùm tác phẩm (trường hợp thơ hoặc truyện cực ngắn) khác nhau; Da Màu ít hơn một chút, khoảng 3 hay 4 bài. Như vậy, tổng số bài đăng trên Tiền Vệ hay Da Màu trong một tháng chắc chắn là nhiều hơn bất cứ tờ nguyệt san văn học nào ở hải ngoại trước đây. Nhiều hơn hẳn. Ở khía cạnh này, rõ ràng giới cầm bút vẫn sáng tác hăng và tác phẩm ra đời vẫn nhiều. Do đó, không có gì đáng phải bi quan cả.

Văn học hải ngoại không chết. Nó chỉ hóa thân.

Sự hóa thân ấy khiến không ít người bỡ ngỡ, thậm chí, hụt hẫng. Họ chỉ thấy những cái mất mà lại không thấy những cái được. Cảm giác ngậm ngùi nảy sinh từ đó.

Có thể nói khi văn học chuyển từ hình thức in sang hình thức mạng, nó đánh mất khá nhiều độc giả, đặc biệt thế hệ cao niên, những người không quen với các kỹ thuật truyền thông mới như computer và internet. Sự biến chuyển quá nhanh của kỹ thuật khiến họ bỗng dưng trở thành những kẻ mù chữ: mù chữ số (digital illiterate).

Thật ra, hiện tượng mù chữ của giới trí thức, kể cả trí thức ưu tú của xã hội, đã từng xảy ra ở Việt Nam ít nhất một lần rồi: vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán trong chương trình giáo dục và đặc biệt, trong sinh hoạt báo chí, và cùng với nó, văn học. Thử tưởng tượng: nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909), người từng đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình, một trong những trí thức xuất sắc nhất của nền Hán học cuối thế kỷ 19, một ngày nào đó, bước vào hiệu sách, cầm tờ Gia Định Báo của Trương Vĩnh Ký hay cuốn Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết theo kỹ thuật hiện đại bằng chữ quốc ngữ, ông sẽ thấy sao? Chắc chắn ông không hiểu gì cả. Với ông, chúng lạ hoắc. Như mọi cuốn sách viết bằng thứ ngoại ngữ mà ông không biết.

Các nhà nho cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 có thể không đọc được chữ quốc ngữ nhưng ít ra họ cũng thấy được sự hiện hữu của nó. Họ thấy được các tờ báo bày trên sạp. Họ thấy được các cuốn sách bày trên kệ. Còn với văn học trên mạng, những người không có computer và không biết về kỹ thuật hiện đại, sẽ không thấy gì cả. Tuyệt đối không.

Ở ngoài mạng lưới internet, văn học mạng hoàn toàn không hiện hữu.

Cảm giác bi quan trước hiện trạng và tương lai của văn học hải ngoại càng trở nên nặng nề một phần là vì thế.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG