VOA: Liên quan tới tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), một số ý kiến cho rằng Hà Nội đã thể hiện ‘các kỹ năng lôi kéo, buộc chính quyền Hoa Kỳ trở thành đồng minh chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc’ ở khu vực biển tranh chấp này. Ông có đồng ý với đánh giá đó không?
Ông Ernest Bower: Tôi nghĩ đó là một đánh giá quá đơn giản. Tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại ARF thể hiện sự kiên định trong đường lối chính sách của Hoa Kỳ. Xét về bất kỳ khía cạnh nào, tôi không nghĩ Washington bị lôi kéo để thể hiện quan điểm đó.
Điều bà Clinton đã làm là bày tỏ các chính sách của Hoa Kỳ với một thái độ cương quyết, khẳng định sự trở lại hợp tác của Washington với các nước ở Đông Nam Á, nhất là về một vấn đề quan trọng đối với tất cả các nước liên quan, trong đó có cả Hoa Kỳ.
VOA: Ông từng nhận định rằng Bắc Kinh bị bất ngờ trước quan điểm của bà Clinton. Vì sao vậy, thưa ông?
Ông Ernest Bower: Điều khiến Trung Quốc bất ngờ không phải là chuyện Hoa Kỳ nêu vấn đề đó lên tại ARF. Tôi chắc rằng họ đã biết về chuyện này. Điều khiến Bắc Kinh không ngờ tới là mức độ phối hợp giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN cũng như sự hậu thuẫn mà họ nhận được. Bà Clinton nêu lên một chuyện không nằm trong nghị trình vì Bắc Kinh đã vận động với các nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á trước khi diễn đàn diễn ra.
Khi bà Ngoại trưởng lên tiếng với một gợi ý cương quyết mà lại nhận được sự hậu thuẫn hết sức mạnh mẽ của các nước ASEAN, điều đó làm Bắc Kinh bất ngờ. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đã thay đổi quan điểm, từ việc không tới tham gia diễn đàn kiểu như vậy tới việc tham dự với một nghị trình chuẩn bị kỹ càng, với sự vận động từ trước nhằm đạt được sự hậu thuẫn của các nước trong ASEAN.
VOA: Theo đánh giá của ông, quan điểm rõ ràng đó có cho thấy một sự thay đổi nào về cách tiếp cận của Washington đối với Trung Quốc hay không?
Ông Ernest Bower: Tôi không nghĩ lời tuyên bố của bà Clinton là một sự thay đổi cách tiếp cận đối với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng chính quyền của Tổng thống Obama lên nắm quyền với quan điểm rằng Trung Quốc sẽ là một đối tác, đơn giản mà nói thì như là khối G2 vậy. Chính quyền của ông Obama tin rằng Washington và Bắc Kinh có thể thẳng thắn cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tôi cho rằng quan điểm đó của ông Obama đã bị khước từ trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2009. Ông trở về và nhận ra rằng cần phải cẩn thận lắng nghe lời cố vấn của một nhóm người trong chính phủ, vốn cho rằng khi quan hệ với Trung Quốc, cần phải thể hiện quan điểm một cách rõ ràng và mạnh mẽ.
Phía Bắc Kinh sẽ thể hiện điều tương tự, rồi hai bên từ đó mới đàm phán, chứ không nên cho rằng mọi chuyện vẫn ổn, hai nước nên là bạn tốt của nhau và có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề trên thế giới. Nói chung, tôi cho rằng đó là một cách tiếp cận mới. Hoa Kỳ cần thể hiện quan điểm về quyền lợi một cách rõ ràng và cương quyết. Tôi nghĩ tuyên bố của bà Clinton là một ví dụ điển hình.
VOA: Vì sao ông lại cho rằng chủ nghĩa song phương, đàm phán bí mật và áp lực ngầm đang chịu sức ép của chủ nghĩa đa phương, sự minh bạch và việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết vấn đề biển Đông?
Ông Ernest Bower: Tôi nghĩ rằng Trung Quốc theo đuổi một cách khá hẹp hòi về điều họ gọi là chủ quyền và mối quan tâm chủ đạo ở biển Đông. Họ muốn chia rẽ ASEAN bằng cách giải quyết tranh chấp với từng nước một và họ không muốn các nước chia sẻ thông tin về các cuộc đàm phán liên quan tới biển Đông giữa từng nước với Trung Quốc.
Theo tôi, các cuộc đàm phán song phương kiểu này đầy bí mật và không minh bạch. Tôi không tin là Trung Quốc đã chứng tỏ với các nước láng giềng rằng họ sẽ tuân thủ pháp quyền quốc tế, và họ đã thể hiện quan điểm rất rõ rằng họ không muốn đàm phán đa phương. Điều này khiến ASEAN quan ngại. Các nước Đông Nam Á thực ra muốn Trung Quốc là một đối tác tốt trên trường quốc tế, giúp khu vực này phát triển.
ASEAN không muốn thấy mặt trái của vấn đề, rằng đất nước mà họ có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ sẽ đến một lúc nào đó yêu cầu họ phải từ bỏ những điều mà Bắc Kinh coi là mối quan tâm chủ đạo như biển Đông hay mối quan hệ thương mại với Đài Loan.
VOA: Phó Ngoại trưởng Jim Steinberg mới đây lên tiếng gắn tuyên bố của bà Clinton về biển Đông với các động thái bất hợp tác của Trung Quốc thời gian qua, trong đó có lĩnh vực quân sự. Ông có nghĩ rằng căng thẳng ở biển Đông sẽ một ngày nào đó dẫn tới xung đột hay không?
Ông Ernest Bower: Thú thực tôi không biết, và tôi hy vọng là không. Điều ông Steinberg muốn nói ở đây cũng chính là quan điểm mà bà Clinton muốn thể hiện, rằng để tránh xung đột và đối đầu, tất cả chúng ta cần phải ngồi xuống và nói rõ quan điểm hay bày tỏ quan ngại, hay nói một cách khác là phải đưa các quân bài ra bàn đàm phán. Cho tới khi Bắc Kinh hành động như vậy đối với vấn đề biển Đông, vẫn còn nguy cơ đụng độ nhau. Đó là quan ngại lớn đối với các quốc gia liên quan, gồm cả Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
Thưa quý vị, gần một tháng sau tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton về ‘quyền lợi quốc gia’ trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông, vẫn tiếp tục có các phân tích và bình luận về động thái này. Khẳng định lại quan điểm của Hoa Kỳ, hôm 18/8, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng Washington ‘phản đối việc sử dụng vũ lực’ để giải quyết các tranh chấp ở vùng biển mà Bắc Kinh gọi là Nam Trung Hoa. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, Nguyễn Trung đã hỏi chuyện ông Ernest Bower, Cố vấn cao cấp đồng thời là Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược, về lập trường của chính quyền Tổng thống Obama đối với vụ tranh chấp về biển Đông. Mời quý vị theo dõi.