Giới trẻ Hoa Kỳ ngày càng không tin giáo điều tôn giáo

  • Jerome Socolovsky
Các trường đại học Mỹ là những nơi ít có tinh thần tôn giáo nhất, phần lớn bởi vì người ta thường có xu hướng rời xa tôn giáo khi còn trẻ. Nhưng một cuộc nghiên cứu tập trung vào người Mỹ tuổi từ 18 tới 24 cho thấy nói chung nhiều người trong số này đã bác bỏ các giáo điều tôn giáo. Một trong những nhà nghiên cứu nói thế hệ này gọi là “thế hệ Millenial”, hay “thế hệ thiên niên kỷ” đang thay đổi cách nhìn và cách theo tôn giáo của người Mỹ.

Cuộc nghiên cứu này tìm ra rằng nhiều người trong nhóm tuổi đó, sinh ra sau năm 1980, đã bỏ tôn giáo mà họ theo hồi bé và sau cùng, phần đông chẳng theo đạo nào. Khoảng 25% những người trả lời nói rằng họ không thuộc bất kỳ tôn giáo nào, coi như hơn gấp đôi tỷ lệ 11% giới trẻ lớn lên trong các gia đình không theo đạo nào cụ thể.

Ông Robert Jones, thuộc Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Công, cùng thực hiện cuộc điều tra với Trường Đại học Georgetown nói:

“Về cơ bản, tất cả những phái của Ki tô giáo đều ở trong tình hình tiêu cực. Đạo Công giáo cũng như Tin Lành đều chịu mất mát lớn trong giới trẻ.”

QUAN HỆ PHỨC TẠP

Cô Abigail Clauhs, trong nhóm sinh viên đại học từ khắp nước Mỹ được mời tham gia cuộc thăm dò nói:

“Thế hệ millenial có vẻ có quan hệ phức tạp đối với tôn giáo, theo kinh nghiệm riêng của tôi với các bạn cùng tuổi, tôi thường nghe nhiều bạn nói, ‘Ờ, tôi được nuôi thế này, nhưng bây giờ tôi thế này, hoặc tôi chẳng theo đạo nào cả.’ Có rất nhiều thay đổi, và người ta không còn có xu hướng theo hẳn một giáo lý nào, tuy rằng có thể họ vẫn còn có thể có đức tin.”

Cô Clauhs, theo học môn tôn giáo tại trường đại học Boston, có cha theo đạo Baptist miền nam, và mẹ theo đạo Công giáo, nói tiếp:

“Tôi thì lại theo giáo phái Unitarian Universalist, bạn được phép muốn tin cái gì thì tin mà.”

ĐẠO KI TÔ “PHÁN XÉT” NHIỀU QUÁ

Chỉ 23% những người trả lời nói Thánh Kinh là lời của Chúa và phải tin. Và tuy 76% số sinh viên đồng ý rằng đạo Ki tô “có giá trị và những nguyên tắc tốt,” thì hơn 60% nói rằng theo cách hành đạo hiện nay thì tôn giáo “có tính phán xét” và “chống đồng tính luyến ái.”

Ông Jones, người phụ trách thăm dò, nói không có gì đáng ngạc nhiên khi thế hệ sinh ra sau năm 1980 không đi nhà thờ nhiều bằng người già ở Mỹ.

“Nhưng thậm chí đối với những câu hỏi rất cơ bản như là bản thể của Thượng Đế chẳng hạn, chúng ta thấy đám millenial rất ít tin vào một đấng Thượng Đế mà họ có thể gần gũi, thay vào đó tin Thượng Đế như là một sức mạnh tốt.”

THAY ĐỔI BỘ MẶT TÔN GIÁO TẠI HOA KỲ

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy nhiều người trẻ không lên mạng để tìm kiếm về đời sống tâm linh. Không tới phân nửa những người trả lời trên Facebook nói họ theo đạo nào. Nhưng ông Jones nói rằng những kết quả cho thấy thế hệ trẻ tìm kiếm đời sống tâm linh với cách thế ít ràng buộc hơn “hình thức giáo hội theo kiểu truyền thống.”

Ông mô tả điều có thể lôi cuốn họ:

“Một cơ hội hoạt động xã hội để bạn có thể làm một chuyện tốt trong thành phố, điều đó sẽ liên kết đến những điều sâu xa nhất mà bạn tin tưởng về thực tại và Thượng Đế... Và bạn biết rằng bạn có thể đến tuần này, nhưng có lẽ tuần tới bạn sẽ không đến, và có lẽ 6 tháng sau bạn sẽ đến nữa.”

Ông nói tiếp:

“Hình thức gia nhập tự do đó, chính là điều mà thế hệ millennial tìm kiếm. Họ thực sự muốn tìm cách thay đổi bộ mặt tôn giáo tại đất nước này.”