Tại một số nơi ở châu Âu, phụ nữ Hồi Giáo và các em gái choàng khăn trên đầu khó tìm việc làm hay được đến trường học. Đàn ông có thể bị sa thải vì để râu. Và cộng đồng Hồi Giáo đôi khi ít có tiếng nói trong những vấn đề quan trọng liên hệ đến đức tin của họ - như xây một phòng cầu nguyện. Đây là một số những phát hiện trong phúc trình toàn diện đầu tiên của Ân xá Quốc tế về kỳ thị tôn giáo chống người Hồi Giáo tại châu Âu.
Ông Marco Perolini, chuyên viên về kỳ thị tại châu Âu của Ân xá Quốc tế, nói:
“Trong những năm gần đây, chúng tôi quan sát thấy có sự phân biệt và thành kiến ngày càng tăng đối với Hồi Giáo và những người theo Hồi Giáo tại châu Âu, và đặc biệt sự kiện này không những do những người dân trong xã hội gây ra mà còn do các chính phủ và chính trị gia nữa.”
Phúc trình của Ân xá Quốc tế chú trọng đến Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ cùng với Pháp, nơi có cộng đồng Hồi Giáo đông nhất châu Âu cư ngụ.
Tình cảm chống Hồi Giáo giúp thêm sức mạnh cho những đảng và những lãnh tụ cực hữu trong những năm gần đây. Chẳng hạn như trường hợp bà Marine Le Pen thuộc Mặt trận Quốc gia Pháp, bà đứng thứ ba trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày Chủ Nhật vừa qua.
Phúc trình xem xét ảnh hưởng của những đạo luật đặc biệt, như luật của Pháp cấm phụ nữ mang khăn quàng che mặt hoàn toàn, thường được gọi là niqab, tại những nơi công cộng hay cấm các em gái choàng khăn trùm đầu tại trường công. Ân xá Quốc tế cho rằng những cấm đoán này và những cấm đoán khác nữa vi phạm quyền căn bản của châu Âu.
Ông Perolini nói: “Chúng ta không nên quên rằng một số quyền-như quyền không bị kỳ thị, quyền tự do bày tỏ ý kiến, quyền tự do tôn giáo, là những quyền căn bản và các chính phủ có nghĩa vụ tôn trọng và giúp hoàn thành.”
Ân xá Quốc tế đưa ra những ví dụ khác theo đó quyền về tôn giáo bị vi phạm. Thụy Sĩ cấm các đền thờ Hồi Giáo không được có tháp cao. Và tại Catalonia, Tây Ban Nha, người Hồi Giáo bị bắt buộc phải cầu nguyện ở ngoài đường phố vì thiếu phòng cầu nguyện và địa phương chống lại việc xây dựng những nơi thờ phượng mới.
Những người Hồi Giáo tại châu Âu ngày càng bị kỳ thị vì đức tin của họ, không những từ những người châu Âu bình thường mà còn từ các chính phủ và các chính trị gia. Đây là đánh giá của tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế trong một phúc trình được công bố hôm thứ Ba.