Hàng ngàn sinh viên học sinh Indonesia tụ tập quanh tòa nhà Sampoerna có vòm mái tròn kiểu thời trung cổ, nơi những người tuyển sinh từ hơn 50 trường đại học của Mỹ phổ biến thông tin về các điều kiện nhập học, chương trình học và học phí.
Hội chợ giáo dục này nằm trong khuôn khổ một sứ mạng về thương mại và giáo dục đặt dưới sự lãnh đạo của Thứ trưởng Thương mại và Ngoại thương Hoa Kỳ Francisco Sanchez. Ông Sanchez cho rằng những cuộc trao đổi giáo dục có thể có tác dụng thúc đẩy thêm nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ông Sanchez nói: “Trình bầy về sinh viên học sinh của chúng ta, kiến tạo các mối quan hệ dài hạn là điều rất tốt, và nền kinh tế cũng không thiệt hại gì khi mọi người đến sinh sống trên đất nước chúng ta và theo học tại các trường đại học của chúng ta.”
Hồi tháng 6 năm ngoái, chính quyền Obama đã dành ngân khoản 165 triệu đôla trong 5 năm để hỗ trợ cho các cuộc hợp tác bậc đại học và các chương trình trao đổi học sinh sinh viên trong các ngành như nông nghiệp, kinh doanh và kỹ thuật thông tin.
Phân nhánh khoa học của chương trình học bổng Fulbright sẽ nhận được 15 triệu đôla, trong khi các học bổng vi mô sẽ hỗ trợ cho các chương trình huấn luyện ngôn ngữ cấp tốc cho cả người Mỹ lẫn người Indonesia.
Hoa Kỳ đang vươn tới các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh như Indonesia và Việt Nam như những thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Học sinh sinh viên quốc tế bơm gần 19 tỷ đôla vào nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm ngoái, và khối dân to lớn của Indonesia cùng với giới trung lưu đang tăng dần có thể mở ra các cơ hội mới cho các trường đại học của Hoa Kỳ để tăng thu nhập về học phí.
Hoa Kỳ cho biết còn muốn gửi sinh viên Mỹ sang Indonesia với hy vọng tăng cường sự hiểu biết giữa hai nước. Đại sứ Hoa Kỳ tại Indonesia ông Scot Marciel nói các cuộc trao đổi học sinh sinh viên tạo ra cơ sở cá nhân cho các mối bang giao tốt đẹp hơn.
Nhưng để thu hút thêm người Indonesia đến với các trường học của Mỹ, ông Marciel nói Hoa Kỳ phải nghiên cứu thêm.
Ông Marciel nói: “Chúng ta phải làm tốt hơn, trước hết là trong việc tiếp thị các trường đại học của chúng ta, vốn là những trường tốt nhất trên thế giới, và sau đó. là thay đổi cái quan niệm khủng khiếp là không thể xin được thị thực du học sinh. Vì thế tôi gần như phải ra đường, níu kéo mọi người đi qua đi lại và nói rằng, “chúng tôi sẽ cấp visa cho bạn nếu bạn đi du học ở Mỹ.”
Ông Marciel nói hơn 90 phần trăm số người Indonesia nộp đơn được cấp thị thực để đi du học ở Hoa Kỳ, nhưng nhiều người xuất thân từ các nước đa số dân theo Hồi giáo như Indonesia vẫn cảm thấy mình không được hoan nghênh bởi vì những rào cản đã dựng lên sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Con số người Indonesia học ở Hoa Kỳ đã sụt xuống liên tục kể từ năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính Á châu đã làm cạn kiệt khả năng của một số gia đình muốn gửi con đi du học ở nước ngoài. Số người được cấp visa cũng xuống, và chưa tăng lên trở lại được. Chưa đầy 7.000 người Indonesia du học tại Hoa Kỳ trong năm ngoái, sụt 9% so với năm 2009.
Trước các tiến bộ tại những trường đại học ở các nơi khác, cũng như những lựa chọn rẻ tiền hơn gần nhà, nhiều người Indonesia xoay sang đi du học ở Australia, Singapore và Malaysia.
Nhưng Hoa Kỳ vẫn là nơi tụ hội của nhiều trường đại học và viện nghiên cứu uy tín nhất thế giới. Nhiều người Indonesia đã đi học ở nước ngoài nói rằng sự phối hợp của học thuật vững vàng và kinh nghiệm sống độc đáo vẫn rất đáng quý.
Anh Erfan Lumban Gaol, một cựu học sinh trung học tham gia chương trình trao đổi học sinh và vừa tốt nghiệp trường đại học Arkansas, giải thích.
Anh Erfan nói: “Trong thời gian 7 năm tôi ở đó, tôi cho rằng tôi đã thay đổi về nhiều mặt. Trong rất nhiều cách suy nghĩ, và tôi học hỏi được rất nhiều điều tích cực từ nền văn hóa Mỹ.”
Anh Lumban-Gaol học về quản trị, một trong những môn rất phổ biến trong giới sinh viên Indonesia. Tuy Anh ngữ vẫn là một môn được ưa chuộng, nhiều sinh viên còn chọn kinh doanh và khoa học, với hy vọng kinh nghiệm ở Mỹ của họ có thể giúp họ lập cơ sở kinh doanh riêng của mình tại một nước hiếm các doanh gia.
Một sinh viên tại hội chợ giáo dục cho biết cô muốn áp dụng những bài học cô sẽ học được tại Hoa Kỳ để tạo dựng một giới lãnh đạo mới cho đất nước cô. Sự kiện này xứng hợp với mục tiêu mà các giới chức Hoa Kỳ đã bầy tỏ, và nói rằng nền an ninh của Mỹ liên kết với sự thành công của Indonesia.
Đối với Bộ trưởng Giáo dục Indonesia Mohammad Nur, công cuộc trao đổi nằm trong khuôn khổ công cuộc ngoại giao thông qua văn hóa sẽ góp phần giúp Indonesia phát triển và củng cố tình thân hữu song phương.
Ông Nur cho rằng có rất nhiều lịch sử đằng sau mối bang giao của Indonesia với nước Mỹ. Đó là lý do vì sao cần phải củng cố mối bang giao này. Nhưng Indonesia cũng muốn tăng cường quan hệ với châu Âu và các nước khác có thể đem lại cho Indonesia những quan điểm mới.
Tại hội chợ giáo dục, một số sinh viên nói đi học ở nước nào không là điều quan hệ, chừng nào mà họ có được điều kiện tài chính. Một số khác nói họ muốn được trải nghiệm đời sống ở Hoa Kỳ, nếu có cơ hội tốt xin được học bổng.
Gần một năm sau khi chính quyền Obama xác định ưu tiên cho việc tăng cường các cuộc trao đổi giáo dục bậc cao với Indonesia, Hoa Kỳ đang lập lại sự cam kết đối với đường lối ngoại giao thông qua văn hóa. Để đạt được mục tiêu đó, hướng nhắm tới là tăng gấp đôi số sinh viên học sinh Indonesia du học tại Hoa Kỳ, một giải pháp mà các giới chức cho rằng sẽ đóng góp vào nền kinh tế Hoa Kỳ và cải thiện bang giao với quốc gia với khối dân đa số theo Hồi giáo và đang phát triển nhanh chóng này. Thông tín viên VOA Sara Schonhardt tại Jakarta ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.