Đường dẫn truy cập

Vì sao Indonesia nhiệt tình ủng hộ Đông Timor gia nhập ASEAN?


Tổng thống Ðông Timor Xanana Gusmao (trái) và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono
Tổng thống Ðông Timor Xanana Gusmao (trái) và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono

Sự ủng hộ nhiệt tình của Indonesia dành cho Đông Timor trong nỗ lực trở thành thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á càng thúc đẩy mối quan hệ đang ngày càng phát triển giữa hai nước, vốn từng là hai phe đối lập trong công cuộc giành độc lập cách đây hơn một thập niên. Theo tường trình của thông tín viên VOA Brian Padden từ Jakarta, lợi ích kinh tế, sự phát triển dân chủ và thực tế về địa chính trị đã giúp hai nước vượt qua quá khứ.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Indonesia Michael Tene dùng từ “láng giềng” để nhấn mạnh đến vị thế bình đẳng và quan hệ thân thiết trong khi mô tả sự ủng hộ của nước ông đối với việc Đông Timor trở thành thành viên của ASEAN.

Ông Tene nói: “Đông Timor là nước láng giềng và chúng ta cũng đã cùng hợp tác với nhau như những nước láng giềng tốt. Có rất nhiều dịp mà cả Indonesia lẫn Đông Timor đều cùng có chung mối quan tâm.”

Nhưng chỉ mới trong vòng thập niên qua mối quan hệ đó mới trở nên tích cực. Trước đó, Đông Timor không phải là một nước mà là một tỉnh của Indonesia. Vào năm 1975, dưới sự cai trị của nhà độc tài quân phiệt là Tổng thống Suharto, quân đội Indonesia đã kiểm soát cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha này và đã chiếm đóng nước này trong suốt 24 năm. Năm 1999, sau khi ông Suharto bị lật đổ, Indonesia đã cho phép người dân Đông Timor được bỏ phiếu để quyết định nền độc lập. Cuộc trưng cầu dân ý với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc đã được thông qua với số phiếu áp đảo, tuy nhiên các nhóm du kích do Indonesia hậu thuẫn đã cướp phá Đông Timor và giết hại khoảng 1.400 người.

Cũng trong năm 1999, Dewi Fortuna Anwar là người phát ngôn cho tổng thống Indonesia khi đó là bà B.J. Habibie, người đã ủng hộ nền độc lập của Đông Timor. Hiện nay, bà là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Cố vấn Habibie. Bà nói rằng Đông Timor khi đó đang chuyển tiếp sang một đất nước độc lập còn Indonesia đang chuyển sang thể chế dân chủ và tới năm 2002, quan hệ giữa hai nước đã được hàn gắn.

Ông Anwar nói: “Ngay sau khi quyền lực được chuyển giao từ Liên Hiệp Quốc sang Đông Timor, tổng thống Indonesia Megawati đã dự buổi lễ ở Đông Timor và quá trình hàn gắn thật sự bắt đầu từ giai đoạn đầu vào năm 2002. Từ đó về sau, cả Jakarta và Dili đã rất cố gắng hết sức để bỏ lại đằng sau quá khứ.”

Bà nói rằng việc Đông Timor không phải là thuộc địa của Hà Lan giống như Indonesia là một sự khác biệt quan trọng trong tư tưởng của phần lớn người dân Indonesia và đó là lý do để chấp nhận sự độc lập của Đông Timor. Bà nói rằng các tỉnh khác của Indonesia được nhìn nhận cách khác, bởi những tỉnh đó là một phần của Indonesia kể từ khi nước họ giành độc lập.

Đất nước Đông Timor mới giành độc lập khi đó là một nước nghèo khó với dân số khoảng gần 1 triệu người đã chấp nhận sự hỗ trợ của Indonesia. Tuy nhiên, họ đã không quên quá khứ. Bà Lan Shaow Tai, chuyên trách về các vấn đề quản lý của Đông Timor tại tổ chức nhân quyền và phát triển Access to Justice Asia, nói rằng mối quan hệ kinh tế phát triển giữa hai nước vẫn chưa ngăn được Đông Timor trong việc đòi lại công lý cho quá khứ.

Bà Tai cho biết: “Đó không phải là nỗ lực để làm giảm nhẹ những tội ác trong thời gian Indonesia chiếm đóng Đông Timor. Mà là vì Đông Timor hiểu rằng sẽ vô nghĩa nếu mối quan hệ giữa nước họ với Indonesia vẫn trì trệ vì trước đây họ từng bị đàn áp hay trở thành nạn nhân và sẽ là phản tác dụng nếu từ chối hợp tác.”

Hai nước tham gia vào một Ủy ban Sự thực và Hữu nghị có trách nhiệm điều tra về những vụ giết người trong quá khứ, mặc dù một số tổ chức nhân quyền nói rằng quyền lực điều tra và truy tố của ủy ban này quá hạn chế.

Một số nước như Singapore cho rằng sự kém phát triển của Đông Timor là một nguyên nhân khiến họ bị từ chối không được gia nhập ASEAN. Tuy nhiên, Indonesia lại nhận thấy qui chế thành viên ASEAN sẽ giúp Đông Timor phát triển. Động cơ của sự ủng hộ này một phần là do những cơ hội đầu tư vào trữ lượng dầu khí dồi dào của Đông Timor, tuy nhiên bà Anwar nói rằng việc giúp nước láng giềng thành công cũng là lợi ích an ninh của Indonesia.

Ông Anwar nói: “Indonesia không muốn thấy Đông Timor tiếp tục tụt hậu, bởi một nước Đông Timor yếu kém sẽ tiếp tục là một điểm yếu cho an ninh tổng thể của Indonesia. Vì vậy điều có lợi nhất cho Indonesia là thấy Đông Timor trở thành một nước mới và trở thành trung tâm của sự thịnh vượng để khi giao tiếp với thế giới bên ngoài họ sẽ không gây thiệt hại cho nước láng giềng lớn hơn.”

Hơn nữa, Indonesia cũng hiểu rằng nếu ASEAN không tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với Đông Timor thì Trung Quốc và Ấn Độ sẽ làm như vậy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG