Các nỗ lực đang diễn tiến ở Nhật Bản nhằm ngăn tránh việc hai nhà máy điện hạt nhân bị nóng chảy sau khi xảy ra trận động đất và cơn sóng thần đã gây ra những mối quan ngại trở lại về sự an toàn của năng lượng hạt nhân ở các nước dễ bị động đất, nhất là Indonesia.
Cũng như Nhật Bản, các trận động đất và núi phun lửa rất thường xảy ra tại nhiều nơi ở Indonesia. Năm ngoái, một cơn sóng thần nhỏ đã đập vào dẫy đảo Mentawi ở phía tây đảo Sumatra. Và cơn sóng thần năm 2004 gây tai họa trong khu vực từ Thái Lan đến Sri Lanka đã làm trên 160.000 người thiệt mạng ở tỉnh Aceh miền tây bắc đảo Sumatra.
Bất kể các rủi ro và quan ngại đề ra bởi vụ khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, ông Ferhat Aziz, phát ngôn viên của Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Indonesia, nói rằng Indonesia vẫn dự định xây dựng các lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện năng.
Ông Aziz nói: “Trước tiên, chúng tôi thực sự quan ngại về diễn biến ở Nhật Bản. Thật là một sự kiện bi thảm. Riêng đối với Indonesia, thì chúng tôi quan tâm hơn đến nhu cầu của đất nước cần đến năng lượng trong tương lai gần.”
Ông Aziz cho rằng để bảo đảm an toàn công cộng, Indonesia sẽ xây dựng các nhà máy bên ngoài những khu vực dễ bị động đất và theo đúng các hướng dẫn của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế. Nhưng ông Richard Tanter, một nhà khảo cứu chuyên về an ninh và an toàn hạt nhân tại Viện Nautilus ở Melbourne nói rằng, địa điểm đề xuất để xây một nhà máy điện hạt nhân trên bán đảo Muria ở bờ biển phía bắc đảo Java là một địa điểm có nguy cơ cao.
Ông Tanter nói: “Thứ nhất, địa điểm này nằm ở rìa của một núi lửa. Thứ hai, có rất nhiều nguy cơ về địa chất trong khu vực đó. Thứ ba, kế hoạch cho nhà máy điện hạt nhân Muria đã dựa vào các hướng dẫn về động đất của Nhật Bản cách đây 30 năm.”
Ông Aziz chống lại các lập luận này nhưng nói rằng có nhiều phần chắc chính phủ sẽ nhượng bộ trước áp lực của công chúng và thay đổi địa điểm đã được đề nghị.
Ông Aziz nói tiếp: “Muria nằm trên đảo Java. Đây chính ra là một trong những nơi an toàn nhất ở Java. Nó cách rất xa đường phay động đất. Rất xa các núi lửa. Nhưng ngay lúc này, chúng tôi cũng đang chờ đợi bởi vì sự chống đối của dân chúng ở đó.”
Chính phủ đã định ra một mục tiêu cho việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trước năm 2016. Tìm ra một địa điểm mới có thể khiến cho đo khó lòng đạt được mục tiêu đó.
Các đảo Borneo và Kalimatan sẽ là các địa điểm lý tưởng xét về mặt an toàn, theo ông Aziz, bởi lẽ các địa điểm này nằm bên ngoài đường phay động đất có tên gọi là “Vành đai lửa,” nơi hai địa tầng của vỏ quả đất gặp nhau. Dọc theo đường nối này, sức nóng của lòng quả đất thoát ra gây nên những vụ động đất và núi phun lửa. Nhưng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên các đảo Borneo và Kalimatan sẽ không giải quyết được nhu cầu năng lượng cho Java, là hòn đảo đông dân nhất của Indonesia. Ông Aziz cho biết hiện người ta đang nghiên cứu tính khả thi của việc xây một nhà máy điện hạt nhân trên đảo Bangka ngoài khơi duyên hải phía đông Sumatra và chạy những đường dây cáp dưới nước để tải điện đến đảo Java.
Trong tình hình các nguy cơ và tổn phí đó, ông Tanter nêu thắc mắc về sự cần thiết của một nhà máy điện hạt nhân ở Indonesia, một nước giàu tài nguyên khí đốt thiên nhiên và than đá và có tiềm năng phát triển năng lượng địa nhiệt, mặt trời và gió. Nhưng các nước khác trong khu vực cũng đang theo đuổi năng lượng hạt nhân. Và ông Tanter cho rằgn Indonesia cũng như nhiều nước khác, coi việc phát triển năng lược hạt nhân là một dấu hiệu tiến bộ kỹ thuật và sĩ diện quốc gia.
Ông Tanter nói thêm: “Khi các nước như Malaysia và Philippin loan báo có ý định khá chắc chắn hiện này là xúc tiến về năng lượng hạt nhân thì có một cảm nghĩ trong một vài giới thuộc chính phủ và quốc hội Indonesia về một thứ giống như chủ nghĩa dân tộc, ‘Hãy nhìn xem, chúng ta là lãnh đạo của khối ASEAN. Chúng ta vĩ đại nhất. Chúng ta phải đóng vai trò dẫn đầu. Tại sao chúng ta lại không theo đuổi công nghệ này?”
Sau thiên tai ở Nhật Bản, một số giới chức ở Indonesia, Malaysia và Philippines đang kêu gọi chính phủ đánh giá lại nhu cầu về năng lượng hạt nhân.
Nhưng ông Aziz cho rằng phát triển năng lượng hạt nhân không phải là vấn đề tự hào mà là vấn đề khả năng. Indonesia là quốc gia đông dân hàng thứ tư trên thế giới, và theo ông thì Indonesia sẽ cần đến mọi hình thức nhà máy sản xuất năng lượng để đáp ứng với các nhu cần ngày càng tăng về năng luợng. Indonesia hiện đã vận hành an toàn 3 cơ sở khảo cứu hạt nhân và theo ông, an toàn công cộng sẽ tiếp tục là một ưu tiên khi xây dựng bất cứ nhà máy điện hạt nhân nào.