Các giới chức điều hành các nhà máy điện đang làm việc để hạ giảm nhiệt độ và áp suất trong các lò phản ứng hạt nhân đã bị hư hại vì động đất và sóng thần. Giới hữu trách thậm chí đã phải bơm cả nước biển vào một số lò phản ứng hạt nhân để tìm cách giảm bớt nhiệt độ ở bên trong và tránh những vụ nóng chẩy.
Bốn nhà máy điện nguyên tử tại Nhật đã báo cáo bị hư hại, nhưng tình trạng khẩn cấp nhất là tại nhà máy Fukushima Daiichi, nơi đã xảy ra một vụ nổ hôm thứ bảy và e rằng sẽ xảy ra thêm một vụ nữa. Ba lò phản ứng ở đó đang có nguy cơ bị quá nóng và hơi phóng xạ đã tỏa vào bầu không khí.
Lên tiếng tại một cuộc họp báo hôm Chủ nhật, Thủ tướng Nhật Naoto Kan tuyên bố các thách thức mà Nhật Bản đang phải đối diện thật lớn lao. Nhưng ông bày tỏ tin tưởng rằng dân chúng Nhật sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng này.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói rằng động đất, sóng thần, và tình hình tại các nhà máy điện hạt nhân có lẽ là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nước Nhật Bản phải đối phó kể từ Thế chiến thứ hai.
Các giới chức Nhật xác nhận hơn 1.000 cái chết do động đất và sóng thần. Nhưng cảnh sát trưởng tại bang Miyagi, là bang bị thiệt hại nặng nhất, nói rằng chỉ tại bang này thôi số người thiệt mạng đã là 10.000 người.
Nhiệt độ trong đêm kể từ khi xảy ra thiên tai gần như băng giá, với những người sống sót chen chúc trong những lều tạm. Hằng trăm ngàn người đang chật vật để có được thực phẩm và nước uống và gần 2 triệu hộ gia đình bị mất điện.
Thủ tướng Kan nói rằng chính phủ Nhật sẽ áp dụng việc cúp điện luân phiên để giải quyết tình trạng thiếu điện, bắt đầu từ ngày hôm nay.
Ông nói thêm rằng dân chúng nên tiết kiệm điện càng nhiều càng tốt. Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng bị cúp điện cộng thêm với việc khả năng tăng thuế tạm thời để gây quỹ cứu trợ có thể sẽ tác động tới các hộ gia đình và các doanh nghiệp Nhật Bản như một cơn hậu chấn kinh tế.
Các mối quan ngại ngày càng tăng về tình trạng hạt nhân ở Nhật Bản đã lại châm ngòi cho một cuộc tranh luận toàn cầu về năng lượng hạt nhân.
Tại Paris, nhà hoạt động chống hạt nhân thuộc tổ chức Greenpeace, bà Sophia Majnoni, nói rằng tình trạng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị tàn phá cho thấy là điện hạt nhân không an toàn.
Bà Majnoni nói: “Tình hình cực kỳ nghiêm trọng bởi lẽ giới hữu trách sẵn sàng phá hủy một lò phản ứng vì họ đã đổ nước, nước mặn, vào bên trong lò phản ứng trong khi chúng ta không có một kinh nghiệm nào về vịêc sử dụng nước mặn để làm nguội một lò phản ứng. Vì thế chúng ta biết là những người có trách nhiệm sẵn sàng phá một lò phản ứng để tránh một tình huống tệ hại nhất. Nhưng không thể nói được là đã tránh được tình trạng xấu nhất. ”
Thựơng nghị sĩ Joseph Liberman của Hoa Kỳ, một người ủng hộ năng lượng hạt nhân và là Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về an ninh quốc nội và các vần đề chính phủ, kêu gọi Hoa Kỳ tạm ngưng việc xây cất các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai cho tới khi tình hình tại Nhật Bản được hiểu rõ ràng.
Bất kể mối lo ngại về sự lan tràn phóng xạ, Ủy ban điều hành hạt nhân Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ không dự kiến sẽ bị tác động bởi mức độ phóng xạ tại Nhật vì khoảng cách rất xa giữa hai nước.
Trong một thông cáo, Ủy ban vừa kể nói rằng tình trạng về thời tiết đã đưa hơi phóng xạ của nhà máy điện nhạt nhân Fukushima Daiichi ra ngoài biển.
Nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Nhật Bản đứng trước cuộc khủng hoảng lớn nhất sau Thế chiến thứ 2
- William Ide
Số tử vong ước tính trong trận động đất lớn hồi tuần rồi ở ngoài khơi Nhật Bản và một đợt sóng thần tiếp theo, đã lên tới hơn 10.000 người hôm Chủ nhật, trong khi các giới chức hối hả tìm cách đối phó với mối đe dọa các lò phản ứng hạt nhân bị nóng chảy. Theo tường trình của Thông tín viên đài VOA William Ide, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố nước ông đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tệ hại nhất kể từ Thế chiến Thứ hai.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1